(HNM) - 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với trách nhiệm cao trước toàn Đảng, Đảng bộ TP Hà Nội luôn chủ động, đổi mới, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh.
Hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô tin tưởng, những quyết sách của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) sẽ tạo kết quả to lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ ở Thủ đô.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. |
- Ban Tổ chức Thành ủy cùng với các ban Đảng Thành ủy, đơn vị và địa phương đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và gần 10 năm thực hiện Kết luận số 37-KL/TƯ ngày 2-2-2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”. Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được?
- Kết quả nổi bật từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII và Kết luận số 37-KL/TƯ ngày 2-2-2009 của Bộ Chính trị là, đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở có cơ cấu ngày càng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Chất lượng cán bộ được nâng lên từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô.
Xin lấy một ví dụ, năm 2008, Hà Nội chỉ có hơn 30% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, đến hết nhiệm kỳ XV, Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học...
Hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 so với nhiệm kỳ 2015-2020 tăng từ 1,49 lên 1,98; trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên tăng từ 48,2% lên 73,2%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân tăng từ 92,9% lên 93,3%; tuổi bình quân giảm từ 47,35 xuống 45,14.
Làm tốt công tác cán bộ là cơ sở giúp Hà Nội có đóng góp quan trọng trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. Cũng nhờ đó, thành phố thực hiện tốt Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018) trong 10 năm qua, nâng cao vị thế Thủ đô, không ngừng có những bước tiến mới.
- Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Thủ đô về xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng cao, thành phố có những đổi mới gì trong thực hiện nhiệm vụ này, thưa đồng chí?
- Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, thành phố tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp với tinh thần quyết liệt đổi mới, gắn với thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”.
Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của Đảng, các quy định và hướng dẫn của trung ương, thành phố luôn chủ động, sáng tạo gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII; Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ cương, kỷ luật...
Tất cả các khâu trong công tác xây dựng Đảng đều được quan tâm đổi mới, trọng tâm là công tác cán bộ. Trong đó, hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn; quy trình công khai, dân chủ.
Công tác quy hoạch cán bộ bảo đảm sự chủ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2017-2020 nhằm từng bước sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định luân chuyển 47 cán bộ; giới thiệu ứng cử 167 người, bổ nhiệm 92 người và bổ nhiệm lại 43 người. Công tác bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm nguyên tắc; tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ, thúc đẩy, phát huy nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ thành phố.
Từ việc lựa chọn chủ đề hằng năm đến ban hành các chỉ thị, nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy đều hướng đến tăng cường ý thức trách nhiệm, tự giác học tập, nâng cao trình độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ. Nổi bật, Thành ủy đã chỉ đạo lựa chọn chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”; ban hành các quy tắc ứng xử...
Tập trung vào những hạn chế yếu kém để khắc phục, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau gần một năm thực hiện, đến nay, gần 100 vụ việc phức tạp đã được giải quyết; hàng chục tổ chức cơ sở Đảng yếu kém được củng cố.
Hà Nội cũng là địa phương đã đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” thống nhất, đồng bộ từ Thành ủy đến UBND, các sở, ban, ngành thành phố. Quá trình thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đồng thuận cao, không để xảy ra khiếu kiện. Bộ máy cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các sở, ban quản lý, quận, huyện, thị xã đã giảm hàng trăm đầu mối, vị trí trưởng, phó phòng, ban; hơn 1.500 biên chế đã được tinh giản.
Một lớp đào tạo cán bộ nguồn của Đảng bộ Hà Nội tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Nhật Nam |
- Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đang tập trung thảo luận và quyết định những nội dung quan trọng, trong đó có Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ trình độ, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong quá trình nghiên cứu Đề án, Ban Chỉ đạo của trung ương đã khảo sát thực tế, tiếp thu những cách làm đổi mới, mô hình hay ở Hà Nội. Xin đồng chí chia sẻ suy nghĩ của mình?
- Là cán bộ tham mưu và thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng ở địa phương, chúng tôi đặt trọn lòng tin vào những quyết định sáng suốt của Trung ương về chủ trương, đường lối đổi mới công tác cán bộ. Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng Đề án hết sức bài bản, khoa học, bảo đảm cả lý luận và thực tiễn. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì trong quá trình đó, Hà Nội với những cách làm đổi mới, có những mô hình hay đã được Ban Chỉ đạo quan tâm xem xét, đánh giá.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khi tham gia ý kiến xây dựng Đề án cũng đã nêu nhiều ý kiến cụ thể, hữu ích với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”. Thực tế, nội dung của Đề án với hàng loạt đổi mới có tính chất đột phá cũng chính là mong muốn, chờ đợi của cán bộ, đảng viên, trong đó có những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng như chúng tôi.
- Vậy, thành phố nói chung và ngành tổ chức xây dựng Đảng nói riêng sẽ đón nhận và thực hiện chủ trương quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần này như thế nào, thưa đồng chí?
- Tôi khẳng định rằng, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy mà tôi là một thành viên trong đó sẽ đón nhận Nghị quyết Trung ương 7 với quyết tâm chính trị cao nhất để đưa nghị quyết vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Từ nhiều kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước đây, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các ban Đảng Thành ủy, cấp ủy các cấp thành phố sẵn sàng tâm thế, quyết tâm chính trị cao nhất để bắt tay vào cuộc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 ngay sau khi được ban hành.
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Tổ chức Trung ương đã ký kết chương trình phối hợp công tác, trong đó, Hà Nội sẽ được giao thí điểm một số nội dung mới liên quan đến đổi mới hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đang chỉ đạo quyết liệt xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị để báo cáo Bộ Chính trị vào cuối năm nay. Trong đó, Ban Tổ chức Thành ủy với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ động hoàn thành khối lượng công việc lớn. Năm 2018, chúng tôi xác định 10 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, bên cạnh việc tham gia xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tham mưu thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, phấn đấu hoàn thành trước một năm so với yêu cầu.
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi cao, ngành tổ chức xây dựng Đảng thành phố sẽ tiếp tục tập trung đổi mới phong cách, lề lối công tác, coi đây là động lực hoàn thành nhiệm vụ. Song song với việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần phục vụ, nêu gương. Chúng tôi cũng sẽ bám sát cơ sở, bám sát công việc, thường xuyên đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.