Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động để giữ nhịp xuất khẩu

Hồng Sơn| 09/02/2018 07:20

(HNM) - Với kết quả vượt chỉ tiêu và đạt mức cao nhất từ trước đến nay, 2017 là một năm thành công của nền kinh tế trong lĩnh vực xuất khẩu.


Nhu cầu từ thực tế

Bước vào năm 2018, các doanh nghiệp đang tập trung khai thác những lợi thế, trên cơ sở kết quả tích cực của năm qua với 5 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, bên cạnh nhiều nhóm hàng đạt mức trên 1 tỷ USD. Bộ Công Thương nhận định, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng, kế thừa từ năm ngoái như hàng dệt may, điện tử, điện thoại...

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam


Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2018 đạt 19 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng chủ lực tiếp tục duy trì tốt phong độ, có tốc độ tăng trưởng cao, đáng ghi nhận như điện thoại và linh kiện tăng 80,7%, giày dép tăng 11,5%, rau quả tăng 36,4%, máy móc và phụ tùng tăng 18,2%... Kết quả đáng mừng này chắc chắn sẽ góp phần tạo đà cho những tháng tiếp theo.

Trong một diễn biến mới, Việt Nam vừa ký một hợp đồng cung cấp thêm 400.000 tấn gạo cho đối tác nước ngoài, đưa tổng khối lượng xuất khẩu gạo cho cả năm nay lên khoảng 6 triệu tấn. Nhìn chung, mức cầu thế giới vẫn trong xu thế tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu gạo tăng tại một số quốc gia Châu Phi, hoặc khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia...

Phần lớn các hiệp hội ngành đều công bố chỉ tiêu, kế hoạch dự định đạt được trong năm nay cao hơn mức đã thực hiện trong năm ngoái. Đơn cử, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay dự báo đạt 9 tỷ USD, tức tăng 8,2% so với năm 2017.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng để làm tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Trong đó, Bộ sẽ chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp thương mại, bảo đảm quyền lợi các đơn vị trước hoạt động bảo hộ mậu dịch hoặc rào cản kỹ thuật của các đối tác quốc tế. Ngoài ra, Bộ cũng tập trung đẩy mạnh công tác rà soát, nghiên cứu để bãi bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không còn phù hợp nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thủ tục hải quan tiếp tục được cải thiện theo hướng hài hòa, hội nhập với các chuẩn mực khu vực và quốc tế; đặc biệt là việc ứng dụng ngày càng đại trà hơn mô hình một cửa quốc gia...

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo cơ quan thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, các vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như thay đổi chính sách của nước nhập khẩu; các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán... để giúp doanh nghiệp ứng phó kịp thời.

Xét về mặt hàng, thì gạo, thủy sản và rau quả là những sản phẩm thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đang được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng ấn tượng nhờ sức cầu không ngừng tăng trên thị trường quốc tế. Thực tế này lại được đặt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tích cực đầu tư vốn và công nghệ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh - sạch kết hợp với mục tiêu hướng về xuất khẩu nông sản. Có thể xem đây là hiệu ứng kép, rất đáng ghi nhận.

Về thị trường, năm nay cộng đồng doanh nghiệp tập trung dồn sức nghiên cứu, tìm hiểu và đẩy mạnh thâm nhập vào những thị trường đối tác có sức mua lớn. Trước hết, với thị trường Mỹ, với thu nhập bình quân hàng đầu thế giới và dung lượng thị trường rất lớn, đây còn là địa bàn xuất khẩu quen thuộc cũng như có kim ngạch cao hàng đầu của các đơn vị xuất khẩu Việt Nam. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, có thể sẽ cân nhắc khả năng nước này tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu xảy ra, chắc chắn đây sẽ là yếu tố kích đẩy mạnh mẽ đối với không ít doanh nghiệp Việt Nam, từ đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Bởi, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn bù đắp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Mỹ trong khi một số nước có cơ cấu sản phẩm giống nước ta lại không tham gia TPP nên không có sự cạnh tranh trực tiếp. Cũng cần nhắc lại rằng, không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế đều thừa nhận Việt Nam sẽ là thành viên được hưởng nhiều lợi ích nhất trong khuôn khổ TPP (hoặc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Tiếp theo, các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN cũng đang trong trạng thái ổn định, có nhu cầu duy trì nhập khẩu hàng Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang rõ ý định nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhìn chung, đánh giá của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý đều cho thấy sự khả quan trong việc hiện thực hóa mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% trong năm kế hoạch 2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động để giữ nhịp xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.