(HNM) - Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 và theo thông lệ hiện tại là thời điểm các doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực phân phối, kinh doanh siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương vào cuộc chuẩn bị phục vụ cộng đồng. Theo Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết sẽ tăng hơn 20% so với tháng khác…
Xác định mục tiêu, nhu cầu tiêu dùng
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh: Linh Tâm
Theo UBND TP Hà Nội, các DN cần nâng cao ý thức, chủ động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, bảo đảm quan hệ cung - cầu trên thị trường theo hướng đầy đủ, tiết kiệm. Nội dung xuyên suốt của công tác chuẩn bị hàng tết là DN có đủ số lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, bảo đảm chất lượng, góp phần ổn định thị trường giá cả.
Xuất phát từ thực tế và khả năng tham gia của từng DN, Sở Công thương đã "phân vai" để đưa ra những chỉ tiêu đối với một số DN lớn, DN chuyên ngành. Cụ thể, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại; Công ty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu; Tổng Công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội sản xuất đưa ra thị trường khoảng 75 triệu lít bia rượu các loại; Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường khoảng 400 tấn sản phẩm. Nhiều DN trên địa bàn Hà Nội cũng tham gia dự trữ, sẵn sàng đưa ra thị trường 900 tấn thịt lợn sạch, 1.000 tấn thịt gia cầm an toàn. Riêng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên triển khai dự trữ 17 mặt hàng, trong đó có gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm; 860 nghìn trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; hơn 3 triệu lít dầu ăn; 1,7 triệu chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau, củ, quả các loại... với tổng giá trị khoảng 785 tỷ đồng. Trong khi đó, các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Co.op Mart... cũng tích cực vào cuộc, chuẩn bị đủ vốn mua dự trữ các loại hàng, với tổng số tiền hàng hơn 1.200 tỷ đồng.
Bảo đảm cung - cầu trên thị trường
Sở Công thương đang tổ chức cho các DN khai thác hàng tại một số tỉnh, thành phố phục vụ thị trường Hà Nội, hỗ trợ DN về thông tin thị trường và trong hợp tác với DN ở địa phương khác. Từ 2 tháng trước, Công ty Intimex đã đầu tư gần 90 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước), để đặt hàng với các nhà cung cấp nhằm chuẩn bị đủ cơ số hàng cho dịp Tết và đang tích trữ tại các kho, chủ yếu là những loại hàng như bia, rượu, nước giải khát, đồ hộp, bánh mứt kẹo, hàng khô... Công ty cũng đàm phán với hơn 700 nhà cung cấp về giá bán hàng hóa nhằm nhập hàng với giá hợp lý nhất, qua đó sẽ có điều kiện bán ra với giá "mềm" hơn, mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Hiện một số siêu thị cũng dự đoán, thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn vẫn có xu hướng tăng, điều này cho thấy lượng giò và giá bán loại hàng này có thể sẽ không dồi dào, thuận lợi như tết năm ngoái. Siêu thị Fivimart cũng đang thương thảo với các đối tác về việc bảo đảm hàng đúng xuất xứ, chất lượng và giá cả. Các kho của Fivimart hiện nay hầu như đã kín chỗ, gồm nhiều loại thực phẩm chế biến, dầu ăn, bánh kẹo, rượu bia, nông sản chất lượng cao...
Nhìn chung, các DN đang gấp rút các khâu mua hàng, dự trữ, bảo quản và để phục vụ hơn 6 triệu người dùng dịp Tết Tân Mão. Tuy nhiên, các DN cũng đề xuất với TP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi chở hàng để tập kết và phân phối hàng, bảo đảm liên thông hàng hóa tại nhiều khu vực nội thành... Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đã chỉ đạo các đơn vị tranh thủ thời gian chủ động mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng để "tăng tốc" tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời tận dụng thời cơ quảng bá thương hiệu trên thị trường. Mặt khác, nếu DN tiêu thụ sản phẩm nội tốt, kết hợp những đợt đưa hàng về nông thôn được xã hội thừa nhận cũng là một bước khẳng định sức sống của hàng nội, góp phần phòng chống nạn hàng lậu, hàng kém chất lượng trên địa bàn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.