Theo dõi Báo Hànộimới trên

Christine Hemmet - Người làm đẹp hình ảnh Việt Nam tại thủ đô Pari

ANHTHU| 20/08/2006 08:42

Về sự kiện khánh thành Bảo tàng Quai Branly tại trung tâm thủ đô Pari, chúng tôi đã may mắn gặp bà Christine Hemmet - người phụ trách phần trưng bày châu Á của bảo tàng này tại Hà Nội trong tuần qua, khi bà sang làm việc với Bảo tàng Dân tộc học VN.

Mặt tiền nhìn ra sông Seine của Bảo tàng Quai Branly

Về sự kiện khánh thành Bảo tàng Quai Branly tại trung tâm thủ đô Pari, chúng tôi đã may mắn gặp bà Christine Hemmet - người phụ trách phần trưng bày châu Á của bảo tàng này tại Hà Nội trong tuần qua, khi bà sang làm việc với Bảo tàng Dân tộc học VN.

Christine Hemmet chính là người có công lớn trong việc làm nổi bật phần trưng bày về Việt Nam tại Bảo tàng Quai Branly, kể cả phần trưng bày cố định lẫn triển lãm chuyên đề về Tây Nguyên của nhà dân tộc học George Condominas. Cuộc nói chuyện thú vị với bà Christine đã giúp chúng tôi hiểu hơn về sự “thiên vị” của Bảo tàng Quai Branly đối với Việt Nam.

- Rất vui được gặp bà tại Hà Nội sau sự kiện lớn khánh thành Bảo tàng Quai Branly tại Pari mà chúng tôi mới có dịp ghé qua để viết bài. Bà có thể kể qua về không khí triển lãm tại bảo tàng sau ngày khai mạc ?

- Là một bảo tàng mới với kiến trúc hiện đại và nội dung trưng bày tập trung vào 4 châu lục ngoài châu Âu: á, Phi, Mỹ và châu Đại Dương, ngay sau ngày khai mạc, bảo tàng đã thu hút rất đông khách tham quan, cả người dân Pari lẫn đông đảo khách du lịch. Có người quan tâm tới kiến trúc bảo tàng, có người quan tâm đến phần trưng bày. Quai Branly trở thành đề tài của rất nhiều bài báo không chỉ ở Pháp mà cả ở Mỹ và các nước châu Âu khác. Phần châu á chiếm một vị trí quan trọng trong bảo tàng này. Các nhà tổ chức hy vọng đưa ra một cái nhìn mới về nghệ thuật và văn minh châu á, một cái nhìn về dân tộc học đại cương của khu vực này. Khách tham quan được chiêm ngưỡng nền văn minh cổ đại của châu lục, trải dàitừ Xi-bê-ri tới Trung á, từ Trung Đông tới Nhật Bản, ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó có tiểu đề về khu vực Đông Dương với các chủ đề như Lúa nước, Trồng cây, Phật giáo ở làng quê, Văn hóa nông thôn... Riêng góc Việt Nam có 9.400 hiện vật (184 hiện vật được trưng bày thường xuyên).

- Và triển lãm với tên gọi theo cuốn sách Chúng tôi ăn rừngcủa George Condominas là một trong những triển lãm đầu tiên khánh thành bảo tàng. Bà có thể cho biết vì sao bảo tàng đã chọn triển lãm này làm một trong những tâm điểm mở màn ?

- Ở Pháp, George Condominas (mọi người thường gọi ông một cách thân mật là Condo) là nhà dân tộc học nổi tiếng về nghiên cứu điền dã ở châu á, đặc biệt là Tây Nguyên Việt Nam. Năm 1957, khi cuốn sách Chúng tôi ăn rừngcủa ông ra mắt tại Pari, nó đã gây một tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu. Trước đó các nhà dân tộc học thường viết sách theo lối mô tả chủ quan với đối tượng nghiên cứu thường được gọi ở ngôi “họ”: họ làm thế này, họ sống thế kia. Tác phẩm của condo - thành quả làm việc của ông sau gần 2 năm sống với người Mnong Gar tại làng Sar Luk (giữa 1948 - 1950) đã gây bất ngờ cho mọi người bởi sự mới mẻ và sâu sắc của nó. Báo chí khi đó bình luận rằng ông là người đã kết hợp một cách tài tình ngọn bút bay bổng của nhà văn với con mắt quan sát sắc sảo của một nhà nghiên cứu. Các nhân vật của ông hiện lên cụ thể với tên gọi theo tiếng bản ngữ, với những cá tính và tâm trạng riêng trong những câu chuyện có thực xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Theo tôi, chính phong tục tập quán và ngôn ngữ giàu có của làng Sar Luk đã truyền cảm hứng cho Condo. Bằng tác phẩm của mình, Condo là người đầu tiên đã mở ra một phương pháp nghiên cứu dân tộc học mới mà đến tận bây giờ các nhà nghiên cứu vẫn áp dụng.

- Cóphải tính hấp dẫn của cuộc triển lãm Chúng tôi ăn rừng tạiQuai Branly là 500 hiện vật do Condo sưu tập trong thời gian sống tại làng Sar Luk đã minh họa cho những câu chuyện trong sách của ông?

- Có rất nhiều lý do. Cuộc triển lãm thể hiện một phương pháp nghiên cứu dân tộc học chặt chẽ và sâu sắc, mà bất cứ ai đến bảo tàng cũng có thể học dù chỉ một khía cạnh nào đó. Mỗi hiện vật trưng bày đều có lai lịch cụ thể và những câu chuyện gắn bó với nó qua những ghi chép tỉ mỉ của Condo trong những cuốn sổ tay, cùng những ký họa sống động mà Condo thể hiện với một năng khiếu bẩm sinh, những băng ghi âm và những bức ảnh mà ông chưa từng công bố. Đã gần 60 năm trôi qua, những hiện vật mà Condo sưu tập không chỉ mang tính nghiên cứu dân tộc học mà còn mang ý nghĩa lịch sử.

- Tôi rất cảm phục khi được biết bà là học trò của GS.Condo và nhận thấy bà là người đang tiếp nối niềm say mê và tình yêu đối với Việt Nam từ giáo sư. Bà có nhận được những lời khuyên của ông khi nghiên cứu về Việt Nam ?

- Khoảng giữa những năm 1970, sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Sorbone, tôi học tiếp ở Viện cao học Khoa học xã hội Pari mà GS. Condo làm giám đốc. GS. Condo thường khuyên chúng tôi trước tiên phải học ngôn ngữ của dân tộc mà mình muốn nghiên cứu (trước đây ông đã học tiếng của người Mnong Gar ở làng Sar Luk). Có như vậy mới hòa đồng và hiểu được tâm tư của họ cũng như phong tục tập quán. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng Giêng năm 1991, khi đó tôi đang làm việc tại Musee de l’Homme (Bảo tàng Con người tại Pari). Tôi cùng một nhóm chuyên gia Pháp sang giúp đỡ việc xây dựng và trưng bày bảo tàng dân tộc học VN tại Hà Nội. Trong thời gian chuẩn bị cho phần trưng bày của bảo tàng tôi đã đi khắp Việt Nam, nhiều nhất là vùng miền núi phía Bắc. Trong nhiều chuyến, tôi đã ngủ lại tại các làng của người Mông, Thái, Dao... hỏi chuyện họ, xem họ thêu thổ cẩm, quan sát công việc hàng ngày của họ. Và tất nhiên khi mua quần áo, gùi, nhạc cụ... của họ cho phần trưng bày của bảo tàng, chúng tôi không thể thiếu công việc ghi chép, lấy tên tuổi và địa danh cụ thể. Công việc của tôi gắn bó với các bảo tàng nhiều hơn là làm nghiên cứu viết sách như GS.Condo. Nhưng những kinh nghiệm của ông là vô cùng quý giá đối với chúng tôi để thực hiện phần trưng bày của bảo tàng một cách khoa học và sống động.

- Xin cảm ơn và chúc cho ngọn lửa say nghề của bà luôn sưởi ấm các bảo tàng !

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Thủy

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Christine Hemmet - Người làm đẹp hình ảnh Việt Nam tại thủ đô Pari

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.