Kinh tế

Chống thất thu thuế với thương mại điện tử: Vẫn cần thêm nhiều giải pháp

Hương Thủy 12/07/2023 - 10:09

Thời gian qua, thu thuế hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, để chống thất thu hiệu quả với lĩnh vực này, ngành Thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Thu hơn 7.400 tỷ đồng 

dt.jpg
Tổng số thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới là 7.422 tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, kể từ khi đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (ngày 21-3-2022), đến ngày 30-6-2023, tổng số thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới là 7.422 tỷ đồng; trong đó số thu đối với các cá nhân, tổ chức trong nước là 2.167 tỷ đồng, số thu của nhà cung cấp nước ngoài là 5.255 tỷ đồng. Trong số trên, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn là Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.

Cuối năm 2022, Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Sau 2 kỳ cung cấp thông tin (quý IV-2022 và quý I-2023), đã ghi nhận 333 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Cùng với đó, Tổng cục Thuế chủ động tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành đầy đủ các các văn bản quy phạm pháp luật để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế đầy đủ. 

Trên cơ sở quy định pháp luật về thuế, nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức trong nước được ủy quyền có trách nhiệm tự xác định doanh thu và kê khai nộp thuế tương ứng, cơ quan thuế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đối chiếu dữ liệu, phân tích rủi ro để áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Bằng Thắng cho biết, việc quản lý, chống thất thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới, thương mại điện tử gặp một số khó khăn như mô hình và cách thức vận hành của hoạt động này có nhiều thay đổi so với mô hình kinh doanh thương mại thông thường.

“Kinh nghiệm của các quốc gia là phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các giao dịch thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm chống thất thu thuế, chống thông tin xấu độc và bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng’’, ông Nguyễn Bằng Thắng nói.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo

Xác định mấu chốt quan trọng là phải có cơ sở dữ liệu lớn trong quản lý, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Trong đó, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để quản lý rủi ro về thu thuế. 

Chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc thu thuế thương mại điện tử đã có cải thiện đáng kể về cơ cấu, cách thức, biện pháp nên số thu tăng mạnh so với trước đây. Tuy nhiên, thu thuế trong lĩnh vực này vẫn còn bỏ sót. Vì vậy, việc tìm giải pháp để không bỏ lọt là rất quan trọng. Trong thời đại số, cần phải lấy số hóa để quản lý thuế thương mại điện tử.

Theo Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn Nguyễn Bằng Thắng, để tăng cường quản lý thuế với lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ xuyên biên giới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài cũng như tổ chức, cá nhân trong nước được ủy quyền để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ tốt chính sách thuế của Việt Nam.  Đồng thời, cơ quan thuế sẽ áp dụng phân tích dữ liệu lớn để xác định, không bỏ sót, bỏ lọt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam mà chưa đăng ký, kê khai thuế đúng quy định.

Đặc biệt, ngành Thuế chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống thất thu thuế với thương mại điện tử: Vẫn cần thêm nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.