Kinh tế

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Lam Giang 27/06/2023 - 06:48

Thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ trên toàn thế giới đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt nhiều rào cản cần được tháo gỡ để phương thức xuất khẩu hiệu quả này phát huy hết ưu thế.

so-ch-t-d-ch-bi-n-gia-v.jpg
Sơ chế ớt để chế biến gia vị tại Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE (quận Long Biên).

Triển vọng và thách thức

Sau hơn 10 năm sản xuất, chế biến mặt hàng gia vị, đến nay, 95% sản phẩm của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE (quận Long Biên) đã được xuất khẩu ra thế giới.

Trong khi đó, lên sàn thương mại điện tử Amazon từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (quận Cầu Giấy) đã thu được những kết quả kinh doanh vượt mong đợi. Hiện Công ty có 7 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược ứng dụng công nghệ nano và công nghệ sinh học bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Trung Quốc. “Công ty đề ra định hướng chiến lược lấy Amazon làm bàn đạp, biên giới thương mại Việt Nam ở đâu thì hàng hóa Việt Nam ở đó”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số mà Chính phủ đề ra. Hiện tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại điện tử nói chung.

Còn theo báo cáo mới nhất của Hãng tư vấn Access Partnership (Anh), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng qua thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng). Con số trên chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Còn đánh giá riêng của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, năm 2022, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua Amazon tăng 45%.

Hiện hàng Việt Nam đang xuất khẩu trực tuyến ra thế giới qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global… Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Tạ Dũng Trí cho hay, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã dần bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, để mở rộng ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp đang đối mặt không ít khó khăn và thách thức. Không chỉ chiếm số lượng khiêm tốn trong số 200.000 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử vẫn loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, ưu tiên điều gì trước, cần các dịch vụ hỗ trợ nào... để có thể xuất khẩu trực tuyến.

Nâng cao kỹ năng xuất khẩu trực tuyến

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Lại Việt Anh, để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan. Trong đó đã đưa ra mức hỗ trợ 50% chi phí duy trì gian hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên những nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Thực hiện vai trò của mình, trong giai đoạn 2021-2026, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số sẽ phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hỗ trợ đào tạo những kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực này cho 10.000 lượt doanh nghiệp. “Năm 2023, Cục sẽ tổ chức các sự kiện theo ngành hàng, theo địa phương để các doanh nghiệp có thể ứng dụng thương mại điện tử, đưa thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài”, bà Lại Việt Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, để tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải rất nỗ lực. Giám đốc điều hành UPS Việt Nam (doanh nghiệp về lĩnh vực logistics) Squall Wang cho rằng, để tham gia vào thị trường thương mại điện tử, doanh nghiệp cần củng cố chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình hiệu quả hơn, hiểu thêm về các quy định hải quan trong quá trình đưa sản phẩm của mình ra thế giới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không cần quá lo lắng việc phải đầu tư nhiều vào công nghệ phức tạp mà có thể tận dụng các dịch vụ từ các đơn vị hỗ trợ.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, sáng tạo, phát triển sản phẩm mới; tuân thủ tiêu chí chất lượng, bao bì, nhãn mác quốc tế; đồng thời tối ưu hóa chi phí bán hàng và tiếp cận khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.