Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thiết chống gian lận trong thương mại điện tử

Thanh Hiền| 04/06/2023 07:15

(HNM) - Thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ngăn chặn tình trạng này trở thành vấn đề cấp bách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ lô thực phẩm chức năng giả các nhãn hiệu lớn tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ).

Ngày 31-5 vừa qua, Đoàn kiểm tra do Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất một căn nhà cấp 4 nằm sâu trong thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, Chương Mỹ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở có gần 12.000 hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm, dán nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collagen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA…, thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đáng nói, trên tem nhãn số lượng lớn sản phẩm tại đây, có thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Supharmco, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lady Cara, Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH Thương mại Tavuco Việt Nam... Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm...

Tại hiện trường, ông Kiều Trung Sơn - nhân viên Công ty TNHH Supharmco cho biết, hàng hóa là viên sủi thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có nhãn Lady tại cơ sở kinh doanh không phải là sản phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm Fresh Life sản xuất và Công ty TNHH Supharmco chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Thông tin về vụ việc trên, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết, đây là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Các đối tượng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng, thương mại điện tử Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển tương đối dài. Đến nay, thương mại điện tử đã trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Cũng theo ông Trần Việt Hùng, chỉ riêng trong hai năm 2021 và 2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.513 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Khởi tố hình sự 10 vụ đối với 20 đối tượng; phạt hành chính trên 530,9 tỷ đồng. Nhằm tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành các kế hoạch triển khai công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại… trong lĩnh vực thương mại điện tử năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Còn Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, Cục đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, cũng như tăng cường quản lý, xử lý vi phạm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử; tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển; triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết chống gian lận trong thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.