Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử thông minh sẽ “lên ngôi”

Lam Giang| 06/05/2023 07:18

(HNM) - Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh dù ở giai đoạn đầu. Để khai thác tối đa “mỏ vàng” này, việc ứng dụng công nghệ thông minh sẽ tạo động lực giúp thương mại điện tử tiếp tục bứt tốc.

Trung tâm phân loại hàng hóa tự động tại Lazada Logistics Việt Nam. Ảnh: Linh Chi

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua. Ngay cả trong những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, vào khoảng 15% cho mỗi năm. Riêng năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam đã tăng 20%, đạt 16,9 tỷ USD. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, quý I-2023 thương mại điện tử nước ta tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và dự báo cả năm có thể đạt trên 25%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại điện tử Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu, quy mô còn nhỏ, chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vì thế tiềm năng còn rất lớn. Thế giới đang đứng trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các công nghệ mới cũng như trí tuệ nhân tạo (AI), các mô hình kinh doanh mới và xu hướng thương mại điện tử thông minh. Đồng thời, người tiêu dùng có nhiều thay đổi trong hành vi mua sắm có tác động lớn đến sự phát triển thương mại điện tử. Để khai thác “mỏ vàng” này, theo bà Lê Hoàng Oanh, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật và nắm bắt kịp thời xu hướng mới để không bị tụt hậu. Đại diện NielsenIQ Việt Nam thông tin, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mua sắm theo cách thông minh hơn. Cụ thể họ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nhất là giới trẻ, tại các cửa hàng trực tuyến uy tín, các sàn thương mại điện tử lớn để tiết giảm chi phí và bảo đảm chất lượng hàng hóa. Do đó, giờ đây bán lẻ hàng hóa phải đi kèm công nghệ, các doanh nghiệp cần thích ứng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Trên thực tế, các chuyên gia thương mại điện tử cũng khẳng định, động lực phát triển thương mại điện tử đến từ việc các doanh nghiệp, nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khảo sát hơn 7.000 doanh nghiệp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp triển khai hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao.

Những công nghệ mới đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thương mại điện tử trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Đơn cử như ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành thương mại điện tử. Theo đó AI có thể giúp sàn thương mại điện tử tự động lọc và phát hiện ra các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng. “Thương mại điện tử thông minh sẽ trở nên nổi bật trong năm 2023 và các năm tiếp theo khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, chuyên gia về thương mại điện tử, kinh doanh trên thương mại điện tử đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính gồm: Bán hàng qua hoạt động marketing; mở gian hàng trên các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo và điểm bán quét QR để mua hàng… Cũng theo ông Đỗ Hữu Hưng, hiện có 3 phương thức kinh doanh mới, nổi bật trong thương mại điện tử là kết hợp kinh doanh trực tuyến và trực tiếp, thương mại trực tiếp, tiếp thị liên kết và sử dụng ChatGPT. Trong đó, thương mại trực tuyến và trực tiếp “lên ngôi” bởi có thể tăng tốc độ bán hàng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thực tế, khi bán hàng theo phương thức truyền thống thông qua giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp tại gian hàng, doanh nghiệp có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần mới bán hết một lượng hàng. Trong khi với thương mại trực tuyến, chỉ trong một phiên phát trực tiếp (kéo dài vài tiếng) người bán vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa chốt đơn bán hàng với lượng bán ra có thể bằng một cửa hàng truyền thống bán trong cả tuần, cả tháng. “Thương mại điện tử bùng nổ trên tất cả các kênh, các hình thức vì thế doanh nghiệp, nhà bán hàng cần tiếp cận “đa điểm chạm” (như website, ứng dụng của doanh nghiệp, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…) để người dùng ở mọi kênh dễ dàng tiếp cận và mua hàng ở bất kỳ đâu”, ông Đỗ Hữu Hưng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử thông minh sẽ “lên ngôi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.