Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Nguyễn Mai| 24/12/2018 07:15

(HNM) - Với đặc tính bền, khó phân hủy, rác thải từ nhựa và ni lông đã, đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường. Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao trên thế giới, để hạn chế rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Rác thải nhựa ngày càng nhiều đang đe dọa môi trường thế giới.


Kết thúc trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia, Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) ngập tràn rác. Chị Lê Hoàng Phương (công tác tại Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông - Vận tải) là một trong những người tình nguyện tham gia thu gom rác ở đây, cho biết: Phần lớn rác là ni lông, chai nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần, hộp xốp đựng đồ ăn, vỏ bim bim, bao thuốc lá, bóng hơi...

Do ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp nên ni lông và các sản phẩm bằng nhựa đã trở thành vật dụng phổ biến. Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, mỗi năm, lượng rác nhựa thải ra đủ để bao phủ trái đất 4 lần. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Riêng 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa, túi ni lông và dự báo con số này tiếp tục gia tăng...

"Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Trong thời gian đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động - thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh, gây ô nhiễm môi trường", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Lê Tuấn dẫn nguồn từ các nghiên cứu quốc tế cho biết, có tới 60-95% rác thải ra biển là rác thải nhựa. Việt Nam có diện tích biển lớn, bờ biển dài, rác thải đại dương làm ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, các loài sinh vật biển và du lịch.

Những năm gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những động thái tích cực nhằm tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa. Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Theo đó, cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi về sử dụng sản phẩm nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, Bộ kêu gọi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản, bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng...

Tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng... nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong thu gom, phân loại rác thải, các sản phẩm làm từ nhựa để tái chế...

Mới đây, tại Hội thảo quốc tế nhằm tham vấn, xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu quan điểm: Nếu phân loại tốt, chúng ta có thể giải quyết được khoảng 50% lượng rác thải nhựa thông qua tái chế.

Để thực hiện hiệu quả điều này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Tại Hà Nội đã hình thành nhiều câu lạc bộ, nhóm tình nguyện tham gia gìn giữ môi trường, tuyên truyền việc không sử dụng túi ni lông. Đơn cử như nhóm của chị Lê Hoàng Phương thường nhặt rác, phân loại rác tại nhiều điểm công cộng vào các ngày cuối tuần...

“Chúng tôi phân loại túi ni lông, rác thải nhựa riêng để chuyển đến nơi tái chế, giúp giảm lượng rác thải phải chôn lấp”, chị Lê Hoàng Phương chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.