(HNM) - Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… hiện vẫn diễn ra dai dẳng, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại bởi thế không chỉ cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chức năng mà còn cần sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp và sự nhận diện, không thỏa hiệp của người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái vẫn gia tăng
Ngày 10-8, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện tại một cơ sở kinh doanh trong ngõ Thịnh Hào 1 (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) 2.800 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc. Ngày 18-8, lực lượng chức năng phát hiện tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy 1.350 gói bánh, kẹo các loại không rõ xuất xứ...
Liên tiếp những ngày qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm. Đáng ngại hơn, các mặt hàng vi phạm trước đây chủ yếu liên quan tới thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ may mặc, gia dụng..., thì hiện có cả mặt hàng đặc thù như xăng, dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón…
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, từ đầu năm 2022 đến nay, quy mô hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại… ngày càng gia tăng. Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, 7 tháng năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 24.000 vụ vi phạm; phạt hành chính hơn 144,5 tỷ đồng.
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn thông tin, do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp, nên gian lận thương mại gia tăng trên thương mại điện tử. Hay như việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả “đi” công khai thay vì chui lủi như trước đây. Hoạt động buôn lậu qua biên giới vào thị trường nội địa rất phức tạp, thay vì qua các đường mòn, lối mở như trước đây, hàng lậu “luồn lách” qua kênh chính ngạch... Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, không rõ xuất xứ nhưng vẫn mua hoặc không tố giác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình.
Chung tay đẩy lùi hàng nhái, hàng giả
Dự báo những tháng cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn cần sự nhận diện và tham gia tố giác của người dân, sự chủ động bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu, Trưởng ban Luật dân sự (Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng) khẳng định, để hỗ trợ chống hàng giả, gian lận thương mại, doanh nghiệp cần xác lập quyền sở hữu với nhãn hiệu, sáng chế; phối hợp với cơ quan chức năng trong xử lý hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện các chính sách, đưa ra cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh, Hiệp hội sẽ tập trung giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bảo đảm căn cứ pháp lý để bảo vệ sản phẩm trước hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, việc tuyên truyền để người dân không thỏa hiệp, sử dụng hàng giả, hàng nhái có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế, việc này đã được lực lượng quản lý thị trường các cấp đổi mới, đa dạng hình thức, tạo sức lan tỏa thông qua kênh mạng xã hội, hay phòng trưng bày trực quan, giúp người dân phân biệt hàng thật, hàng giả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc này càng cần được đẩy mạnh với tần suất dày đặc hơn trên các kênh truyền thông để người dân hiểu rõ hơn tác hại của việc thỏa hiệp, sử dụng hàng giả, hàng nhái đối với bản thân và cộng đồng.
Về phía cơ quan chức năng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2022, tập trung xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu, khí hóa lỏng, rượu, hóa chất; hàng tiêu dùng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Cục sẽ tăng cường kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, Tổng cục sẽ xây dựng và trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ 3 đề án về: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về xâm phạm sở hữu trí tuệ cho lực lượng quản lý thị trường, nhằm bảo đảm hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.