(HNM) - Khoảng hơn 1.000 tỷ đồng là tổng giá trị hóa đơn giá trị gia tăng đã được mua bán bất hợp pháp trong một vụ việc vừa bị cơ quan chức năng phát hiện đầu tháng 12-2016...
Lực lượng an ninh kinh tế kiểm tra tang vật vụ án mua bán trái phép hóa đơn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hà Châu |
Biết sai vẫn mua
Cuối năm, khi nhu cầu quyết toán thuế lên đến đỉnh điểm thì đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán hóa đơn diễn ra mạnh nhất, mặc dù tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết đây là hành vi vi phạm. Theo cơ quan chức năng, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, các đối tượng ở đường dây mua bán hóa đơn vừa bị Công an TP Hà Nội triệt phá đã mua lại các doanh nghiệp (DN) hoạt động kém hiệu quả, thay đổi người đại diện pháp luật, trụ sở công ty, sau đó bán hóa đơn GTGT, nhằm thu lợi bất chính. Tổng giá trị hóa đơn GTGT các đối tượng đã bán trong thời gian từ năm 2012 đến nay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 8-2016, một đường dây buôn bán hóa đơn do Hoàng Lệ Hằng, sinh năm 1971, trú tại đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng cầm đầu bị cơ quan chức năng phát hiện, cũng với thủ đoạn trên. Nếu giá trị thanh toán dưới 20 triệu đồng, đối tượng bán mỗi hóa đơn với giá khoảng 300.000 đồng; trên 20 triệu đồng, đối tượng thu 2% tổng giá trị tiền ghi trên hóa đơn. Đường dây này đã xuất khống hóa đơn với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng thông qua 33 công ty “ma”, gây thất thu thuế trên 78 tỷ đồng cho ngân sách.
Trên thực tế, hoạt động buôn bán hóa đơn GTGT bất hợp pháp xuất phát từ "nhu cầu" hợp thức hóa chi phí của các cá nhân, tổ chức. Thậm chí, thời điểm cuối năm, có đơn vị lập khống nhiều khoản chi lớn nên cần hóa đơn để hợp thức hóa. Có cung ắt có cầu, từ nhiều nguồn khác nhau, những tờ hóa đơn GTGT vẫn được mua - bán dù hành vi này hoàn toàn bị cấm; trong đó, những người hoạt động kế toán chính là đối tượng đầu tiên chịu trách nhiệm liên đới.
Doanh nghiệp và cơ quan thuế cùng có lợi
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để ngăn chặn các hành vi gian lận trong lĩnh vực hóa đơn, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi các Cục Thuế địa phương, nêu rõ 9 dấu hiệu nghi vấn giúp các đơn vị nhận dạng hành vi sai phạm. Đó là các cơ sở mới thành lập nhưng không đóng góp vốn điều lệ theo quy định, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ DN đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; các DN có doanh thu lớn nhưng kho hàng, lực lượng lao động không tương xứng, không có xưởng sản xuất; các DN xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, hay có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại và thay đổi người đại diện trước pháp luật...
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế thành lập tổ công tác chuyên trách, rà soát và lập danh sách cảnh báo DN có dấu hiệu rủi ro về mua bán hóa đơn bất hợp pháp. 63 Cục Thuế địa phương phải lựa chọn tối thiểu 20 DN có rủi ro cao về in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kiểm tra.
Tại Cục Thuế TP Hà Nội, một trong hai địa bàn trọng điểm về thu ngân sách, công tác ngăn chặn gian lận trong lĩnh vực hóa đơn luôn được chú trọng. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã thành lập Tổ chống hành vi vi phạm hóa đơn và tập huấn, cập nhật những thông tin mới nhất về tội phạm hóa đơn cho cán bộ chủ chốt trong khối thanh tra, kiểm tra thuế. Đối với người nộp thuế sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế sẽ truy thu thuế và xử lý nghiêm. Đặc biệt, để ngăn chặn gian lận về hoàn thuế GTGT, Cục Thuế TP Hà Nội chủ động đổi mới hình thức kiểm tra hoàn thuế theo hướng, sẽ xác minh hóa đơn mua vào đề nghị hoàn ở đơn vị bán đầu tiên trong chuỗi cung ứng cho DN.
Cũng theo ông Mai Sơn, Cục Thuế Hà Nội đang triển khai đề án sử dụng hóa đơn điện tử. Đây là loại hình mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, như: Chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ chỉ bằng 1/3 so với sử dụng hóa đơn giấy. Hóa đơn điện tử cũng thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, đối chiếu dữ liệu, quản trị kinh doanh nhờ ứng dụng tự động tập hợp. Và khi sử dụng hóa đơn điện tử, DN đã tự khẳng định sự tiên tiến, minh bạch của mình trong quản trị DN. Về phía cơ quan thuế, việc kiểm tra, rà soát và phát hiện sai phạm khá dễ dàng thông qua phần mềm đối chiếu hóa đơn. Với những lợi ích đó, tháng 12-2016, Cục Thuế TP Hà Nội đã tổ chức 10 lớp tập huấn về sử dụng hóa đơn điện tử cho hơn 4.600 DN trên địa bàn. Đồng thời, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ hỗ trợ DN thực hiện các biện pháp quản trị, hạn chế những sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, 11 tháng qua, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.326,29 tỷ đồng; trong đó qua thanh tra 5.961 DN, tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 5.481,98 tỷ đồng... Riêng kiểm tra 779.155 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, Ngành Thuế đã điều chỉnh tăng thu vào ngân sách nhà nước 335,55 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.