Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống dịch bằng những việc nhỏ hằng ngày!

Mai Lâm| 27/02/2020 15:03

(HNMCT) - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Không chỉ ở khu vực Đông Á mà cả một số quốc gia Tây Á, châu Âu, tình hình thậm chí có chiều hướng xấu đi khi số người nhiễm bệnh tăng đột biến trong những ngày gần đây. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo "cánh cửa chặn dịch đang hẹp lại", vì dịch đã lan sang nhiều nước, trong đó có những nước mà hệ thống y tế dự phòng kém..., thậm chí có nơi không xác định rõ được nguồn bệnh xuất phát từ đâu. Việc phòng, chống dịch vì thế khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam dù có đường biên giới dài, giao thương tấp nập với Trung Quốc nhưng đã khống chế tốt sự lây lan của dịch bệnh, điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân (chưa có bệnh nhân tử vong), thực sự là một điểm sáng. Thành tựu đó có được, trước hết nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự khẩn trương, tích cực của các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội...

Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao sự minh bạch, quyết liệt nhưng đầy nhân văn, hết mình của Chính phủ Việt Nam vì cuộc sống người dân. Kết quả đó còn do sự đồng lòng, hưởng ứng, tuân thủ và thực hiện nghiêm khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch từ cơ quan chức năng của mỗi người dân. Tất cả đã, đang tạo thành mạng lưới ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả.

Thế nhưng, như đã nói, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến khó lường, phát sinh những tình huống mới có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Điều đó cho thấy chưa thể chủ quan, hài lòng với những kết quả đã đạt được. Ngoài việc theo sát thông tin chính xác về diễn biến dịch bệnh và thực hiện đúng hướng dẫn phòng, chống dịch cấp bách từ các cơ quan chức năng, mỗi người chúng ta cần tiếp tục tích cực xây dựng lối sống văn hóa, vì mình, vì cộng động bằng việc thay đổi những thói quen chưa tốt, thay đổi hành vi ứng xử, từng việc nhỏ trong cuộc sống thường nhật theo hướng tích cực.

Chẳng nói xa xôi, thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm mới nổi đều xuất phát từ động vật hoang dã, và nguyên nhân gây dịch Covid-19 cũng được giới chuyên gia nghi ngờ xuất phát từ động vật hoang dã và lây sang người do thói quen buôn bán, sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm tại Trung Quốc. Vậy mà, việc buôn bán, sử dụng các loại động vật này làm thực phẩm, món nhậu khoái khẩu vẫn đã, đang diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với con người. Những loại động vật hoang dã không được kiểm soát dịch bệnh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, có thể phát sinh dịch bệnh mới hiện nay.

Vậy nhưng, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, không ít người vẫn sử dụng động vật hoang dã làm thức ăn, khiến cho “bệnh vào từ miệng”. Tất nhiên, với những loại động vật hoang dã thuộc loại quý hiếm, việc buôn bán, sử dụng làm thực phẩm... luôn bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nhưng với những loài không nằm trong danh sách cấm, việc phòng, tránh nguy cơ gây dịch bệnh chỉ trông chờ vào ý thức của mỗi cá nhân. Từng người cần hiểu rõ điều đó để căn chỉnh hành vi cho phù hợp, vì lợi ích cá nhân và cả cộng đồng.

Thành phố Hà Nội đã và đang tích cực thực hiện và đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh thông qua thực hiện Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Sẽ không quá lời khi cho rằng điều đó cũng đóng góp tích cực giúp công tác phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội thời gian qua được thuận lợi, hiệu quả hơn, dù nguy cơ đối với Thủ đô vẫn là rất lớn.

Nếp sống văn minh cần tiếp tục lan tỏa; những thói quen, hành vi xấu như khạc nhổ, phóng uế bừa bãi... cần chấm dứt; cộng đồng tích cực tham gia vệ sinh phố phường, ngõ xóm để giảm nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Hành động chia sẻ, tặng khẩu trang miễn phí được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội và các cá nhân hảo tâm thực hiện trong thời gian qua cần được tôn vinh, lan tỏa, truyền cảm hứng cho cộng đồng nhằm thúc đẩy tinh thần chung tay ngăn chặn dịch bệnh...

Khi mỗi cá nhân có nhận thức đúng, có ý thức xây dựng nếp sống văn minh, cách ứng xử văn hóa, nhân văn, đó cũng chính là cách phòng, chống dịch thiết thực, hiệu quả, bền vững!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch bằng những việc nhỏ hằng ngày!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.