Kinh tế

Chống “bảo hộ ngược”, tạo cạnh tranh bình đẳng

Thanh Hà 09/07/2023 - 10:07

Các dự báo đều cho thấy dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây toàn cầu sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt doanh thu cao hơn viễn thông vào năm 2025.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn thị phần dịch vụ đám mây lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có các quy định để chống “bảo hộ ngược”, tạo sự cạnh tranh bình đẳng ngay chính sân nhà...

trung-tam-du-lieu-idc.jpg
Kỹ sư VNPT kiểm tra hệ thống tại Trung tâm dữ liệu IDC Nam Thăng Long. Ảnh: Cao Hưng

Dịch vụ điện toán đám mây trong nước bị “lép vế”

Theo các dự báo, giá trị thị trường điện toán đám mây toàn cầu ước đạt con số khoảng hơn 1.600 tỷ USD vào năm 2030, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2025 (đang ở mức 400 triệu USD) cao hơn doanh thu viễn thông. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 100 thị trường mới nổi về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây…

Hiện trên thế giới đã có khoảng 8.100 trung tâm dữ liệu, riêng Hoa Kỳ chiếm trên 30% số lượng trung tâm dữ liệu đặt ở trong nước. Và trong tổng số trung tâm dữ liệu toàn cầu nêu trên, Việt Nam mới có chưa đến 30 trung tâm dữ liệu, cho thấy thị trường này tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng.

Đại diện Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) cho rằng hiện thị trường này đang thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài chiếm tới 80% thị phần và các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20%. Nhưng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, dư địa dành cho doanh nghiệp nội địa còn rất lớn.

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng các doanh nghiệp trong nước có không ít lợi thế. So với nhà cung cấp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đang sở hữu đội ngũ kỹ thuật nhiều kinh nghiệm, có trình độ cao, đặc biệt có thể hỗ trợ ngay lập tức mà không bị rào cản về ngôn ngữ, lại có chính sách giá linh hoạt, cạnh tranh. Đặc biệt với lợi thế về hạ tầng, doanh nghiệp trong nước có thể bảo đảm tốc độ đường truyền ổn định.

“Với nhiều lợi thế vượt trội, doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội giành lại “miếng bánh” trong tay những đối thủ ngoại. Tuy nhiên, rất cần Chính phủ hỗ trợ sớm xây dựng quy định khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hạ tầng đám mây trong nước để bảo vệ dữ liệu người dùng Việt Nam…”, đại diện VinaPhone đề xuất.

Hiện, Việt Nam có 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với hơn 113.120 máy chủ, tiêu chuẩn thiết kế đều đạt Tier 3 và Uptime Tier 3; đang cung cấp cho hơn 26.500 khách hàng và có khả năng lưu trữ 60.000 T-byte dữ liệu (số liệu năm 2022).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước

Phát triển hạ tầng số với trọng tâm là phát triển về hạ tầng viễn thông, nền tảng số và hạ tầng đám mây đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Phát triển hạ tầng số cũng đã được Chính phủ đặt ra trong nhiều chương trình, đề án chiến lược, như Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm giai đoạn 2021-2030.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vừa qua, phát biểu giải trình, tiếp thu về sửa đổi Luật Viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, mục tiêu xây dựng một hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ này không nên đưa vào Luật Viễn thông để quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Đầu tư đã xác định trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng đến nay chưa có quy định chuyên ngành. Do vậy, cần đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào Luật Viễn thông sửa đổi.

Tuy nhiên, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng “quản lý mềm”, giống như nhiều quốc gia khác, để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của loại hình hạ tầng và dịch vụ này, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, an ninh...

Theo đó, trung tâm dữ liệu có tính hạ tầng, phát triển phải phù hợp với quy hoạch, nên cần đăng ký. Điện toán đám mây là dịch vụ nên chỉ cần thông báo. Các thủ tục đăng ký, thông báo có thể làm trực tuyến, dựa trên cam kết của doanh nghiệp mà không tiền kiểm. Về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cho phép đến 100%. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều quản lý như nhau, không bảo hộ ngược.

Như vậy, có thể thấy rằng, với các biện pháp bổ sung quy định theo hướng quản lý mềm với các dịch vụ này vào Luật Viễn thông sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội đầu tư phát triển để từng bước giành thị phần từ các đối thủ nước ngoài.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần khẳng định sẽ xây dựng các quy định khuyến khích tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong nước sử dụng các sản phẩm đám mây “Make in Vietnam” nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng trong nước. Đây được coi là những động thái quyết định để bảo vệ cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, trước các động thái này, gần đây nhất, đại diện các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn toàn cầu đã lần lượt ký hợp tác cung cấp dịch vụ với các nhà mạng trong nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống “bảo hộ ngược”, tạo cạnh tranh bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.