“Từ Chủ tịch UBND thành phố đến chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, giám đốc sở phải nhận thức được đây là việc sống còn, chuyển đổi số hay là chết, thì lúc đó mới làm được”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI vừa diễn ra.
Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong thực hiện tương tác với chính quyền. UBND thành phố đã định kỳ đánh giá kết quả và đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Nhờ đó, công tác này được triển khai hiệu quả; tạo thuận lợi, minh bạch hơn trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; góp phần thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thế nhưng, báo cáo kết quả giám sát của HĐND thành phố mới đây về việc thực hiện công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội chỉ ra những tồn tại. Trong đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần còn nhiều hạn chế khi số lượng thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến tích hợp, công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia đạt 18,7%, chưa đạt chỉ tiêu 30% của Chính phủ đặt ra; hồ sơ thực tế giải quyết ở mức độ 3, 4 đạt 24,9%, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch do Chính phủ và UBND thành phố đặt ra. Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo phần mềm dịch vụ công trực tuyến đang trong giai đoạn thử nghiệm nên còn nhiều bất cập. Trong khi đó, hệ thống thường xuyên bị lỗi treo mạng, phần mềm của một số thủ tục hành chính còn chưa phù hợp với thao tác thực tế, bị lỗi khiến số lượng hồ sơ lớn, dẫn đến việc bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục hồ sơ gặp nhiều khó khăn.
Khẳng định chuyển đổi số là vấn đề sống còn, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh quyết tâm thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan hành chính nếu muốn chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số không phải mua thêm máy tính, mua thêm phần mềm tốt mà là cả một quá trình lâu dài. Đó là thay đổi tư duy làm việc trên môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức đến sáng tạo ra quy trình làm việc mới ứng dụng công nghệ. Như khẳng định của người đứng đầu chính quyền Hà Nội, bộ máy sẽ không thể làm được nếu còn suy nghĩ phải có cán bộ giỏi tin học mới có thể chuyển đổi số, bởi cách tiếp cận này hoàn toàn sai về phương pháp.
“Chuyển đổi số hay là chết” là lựa chọn dễ dàng hơn khi mỗi đơn vị, người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức nhìn nhận ra đúng bản chất của vấn đề, từ đó dành sự quan tâm thỏa đáng cho nhiệm vụ này. Đó là đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin; sắp xếp, xây dựng tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn để phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số…
Thành công trong chuyển đổi số sẽ được đánh giá chính xác khi người dân và doanh nghiệp hài lòng về các thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.