HNM) - “Cần điều tiết, chọn lọc các sự kiện văn hóa phù hợp với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, để phát huy được giá trị không gian di sản, trung tâm giao lưu văn hóa của Thủ đô, đồng thời xóa bỏ những hệ lụy không đáng có” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới như vậy trong buổi trò chuyện xoay quanh hiện tượng “xô lệch” văn hóa ứng xử tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận dịp đầu năm mới 2020.
(HNM) - “Cần điều tiết, chọn lọc các sự kiện văn hóa phù hợp với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, để phát huy được giá trị không gian di sản, trung tâm giao lưu văn hóa của Thủ đô, đồng thời xóa bỏ những hệ lụy không đáng có” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học khẳng định với phóng viên Báo Hànộimới như vậy trong buổi trò chuyện xoay quanh hiện tượng “xô lệch” văn hóa ứng xử tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận dịp đầu năm mới 2020.
- Vườn hoa tan nát, rác thải bủa vây, cây xanh bị dẫm đạp... là cảnh tượng thường thấy sau mỗi sự kiện chào đón năm mới được tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Vậy, theo ông nguyên do từ đâu?
- Trước hết, đây là biểu hiện của ý thức kém, thậm chí là vấn nạn trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận người dân, xuất phát từ tập quán sinh hoạt tùy tiện, tự do, thiếu rèn giũa tác phong văn hóa, nếp sống văn minh. Thói quen này đã ăn sâu, bắt rễ nên để thay đổi cần có một quá trình, đi kèm không ít yêu cầu, điều kiện, trong đó có cả môi trường phù hợp.
Nói vậy để thấy, câu chuyện xảy ra với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trước thềm năm mới vừa qua, bên cạnh ý thức chưa tốt của một bộ phận người dân, còn cần bàn đến tính phù hợp, hiệu quả của việc bố trí, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nơi công cộng, nhằm phát huy giá trị không gian di sản, trung tâm giao lưu văn hóa lớn của Thủ đô và đất nước, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần cho công chúng.
- Tính phù hợp, hiệu quả của việc bố trí, tổ chức sự kiện ở đây là gì, thưa ông?
- Kể từ khi được tổ chức thí điểm cách đây 3 năm, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã tổ chức thành công hàng trăm sự kiện văn hóa, thu hút trung bình từ 1,5 đến 2 vạn lượt người/đêm. Thế nhưng, những hình ảnh phản cảm kể trên chỉ xuất hiện vào dịp chào mừng năm mới, thời điểm không gian này “bùng nổ” các sự kiện văn hóa giải trí, kéo biển người đổ về cùng một khung giờ, gây tắc nghẽn, quá tải trên toàn khu vực.
Cụ thể, tối 31-12-2019, quanh không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có tới 4 sân khấu lớn, gồm: Đại nhạc hội “Vũ khúc ánh sáng - countdown 2020” trước Tượng đài Lý Thái Tổ, “Chào Xuân 2020” tại Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; Tiger Remix 2020 trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Voyage of time ở Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Với một mật độ dày đặc chương trình như vậy, không gian vốn chật hẹp của khu vực hồ Hoàn Kiếm khó tránh khỏi sức ép, dẫn đến không ít hệ lụy, môi trường cảnh quan bị phá hoại. Thay vì bồi dưỡng, làm giàu văn hóa, không gian này lại trở thành nơi cộng hưởng, phơi bày những hiện tượng phản văn hóa...
- Theo ông, để khai thác, phát huy hiệu quả không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xóa bỏ những hiện tượng như vừa qua, chúng ta cần những giải pháp gì?
- Trước mắt, các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng rút kinh nghiệm trong khâu quy hoạch địa điểm, cấp phép, tổ chức sự kiện..., nhằm xóa bỏ tình trạng quá tải ở các điểm trung tâm. Sớm xây dựng kịch bản điều tiết việc khai thác không gian một cách khoa học, hiệu quả. Với tầm vóc một đô thị lớn, Hà Nội đã và đang trở thành đô thị đa trung tâm với không ít địa điểm phù hợp cho việc tổ chức các sự kiện giao lưu, giải trí lớn, như: Công viên Hòa Bình, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Công viên Thống Nhất..., không nhất thiết phải dồn quá nhiều chương trình vào một nơi, trong khi những địa điểm khác lại bỏ trống.
Đi kèm với đó, các sự kiện diễn ra cần bảo đảm điều kiện về cách thức tổ chức, phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách trong không gian chung, từ hệ thống thùng rác, nhà vệ sinh, phòng, chống cháy nổ... đến việc ký cam kết gìn giữ môi trường, bảo vệ cảnh quan văn hóa công cộng. Không phải là tất cả, nhưng có những nhà tổ chức sự kiện mới chỉ chú trọng đến lợi ích của mình, chưa quan tâm nhiều đến những giá trị văn hóa của cộng đồng, cũng như chưa lên phương án cụ thể cho các vấn đề có thể nảy sinh..., mà những vấn đề nảy sinh vừa qua tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là ví dụ.
Với vị thế trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, sự phát triển của thành phố không chỉ ghi dấu ấn ở mức độ tăng trưởng kinh tế, mà sâu xa hơn còn là chiều sâu văn hóa. Những nỗ lực của thành phố trong tổ chức không gian văn hóa, sự kiện văn hóa, giải trí mấy năm gần đây, đã thể hiện quyết tâm đổi mới trong cách nghĩ, cách làm vì hướng phát triển bền vững của Thủ đô, góp phần tạo thêm không gian sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, tăng trưởng du lịch. Để phát huy hiệu quả điều này, bên cạnh những giải pháp kể trên, mỗi người dân Thủ đô cần nêu cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử, mà cụ thể là thực thi hệ thống quy tắc ứng xử. Hy vọng, với những biện pháp đồng bộ đó, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường của người dân sẽ nâng cao và những hiện tượng tiêu cực sẽ được xóa bỏ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.