Theo Ban quản lý chợ xe máy cũ Dịch Vọng, hơn 90% ở đây là xe không chính chủ. Theo anh Trần Hùng, một chủ cửa hàng ở đây thì khi người đang sử dụng xe máy chứng minh được xe hợp pháp thì cho làm thủ tục sang tên.
Trái ngược với cảnh tấp nập người mua kẻ bán thường ngày, kể từ khi Nghị định 71/2012/ĐN-CP (Nghị định 71) chính thức có hiệu lực, chợ xe máy cũ Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội) trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ thực tế cho thấy từ cả người mua và người bán, những ái ngại này nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu hết bản chất và ý nghĩa trong việc thực hiện Nghị định này
Ngay sau khi Nghị định 71 chính thức có hiệu lực, trước những ái ngại của người dân liên quan đến việc đi xe chính chủ hay không chính chủ, chúng tôi có mặt tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng (Cầu Giấy - Hà Nội). Khác hẳn với ngày thường, quang cảnh chợ có vẻ đìu hiu không khác gì cảnh chợ chiều những ngày mùa đông giá rét. Gian hàng này nối tiếp gian hàng kia với bạt ngàn xe máy đủ các loại nhưng vắng bóng khách hàng. Nhìn đi nhìn lại chỉ thấy toàn người bán và mấy tay cò ngồi uống nước chè, hút thuốc lào vặt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Luận, Trưởng ban quản lý chợ xe máy cũ Dịch Vọng cho hay, cả chợ có gần 200 gian hàng kinh doanh, với gần 1.000 xe máy các loại, nhưng một tuần trở lại đây rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Theo như lời anh Trần Hùng, một người kinh doanh lâu năm tại chợ: “Trước đây, bình quân mỗi ngày tôi bán được 3 chiếc, ngày cao điểm cũng bán được 6 chiếc xe máy cũ. Vậy mà, 4 hôm nay tôi không bán được chiếc nào, thi thoảng mới có khách vào hỏi nhưng quanh quẩn chuyện sang tên đổi chủ rồi đi mất”.
Chợ xe máy cũ Dịch Vọng (Cầu Giấy).
Đi dọc phố Chùa Hà, khu phố chuyên kinh doanh xe máy cũ, cảnh nhộn nhịp mời chào mua bán ngày trước đã không còn. “Xe Nouvo bình thường 15 triệu, giờ chỉ bán 13 triệu, xe Click bán 23 triệu thì giờ chỉ 20 triệu, xe Wave Alpha trước bán rất chạy nhưng giờ cũng ít khách hỏi.….”, anh Hưng, một chủ cửa hàng ở đây than thở.
Qua tìm hiểu của PV , hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ xe máy cũ này đều cho rằng các quy định tại Nghị định 71 là đúng và hợp lý. Bất kỳ ai khi mua xe cũng đều muốn đứng tên mình. Tuy nhiên, do người dân chưa hiểu rõ bản chất của sự việc, sợ rằng các thủ tục hành chính để sang tên đổi chủ một chiếc xe sẽ khó khăn nên mới tỏ ra ái ngại, lo lắng đến việc đi mua xe cũ.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, người có thâm niên hơn 10 năm kinh doanh xe máy ở chợ Dịch Vọng cũng thừa nhận: “Nghị định 71 sẽ quản lý được xe gian, xe nhập lậu, đồng thời tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý phương tiện giao thông và bán xe cho khách mà chuyển được quyền sở hữu cho người ta chúng tôi cũng tạo thêm được uy tín” và hy vọng sẽ bán được nhiều xe khi người dân hiểu rõ quy định mới.
Với những người có điều kiện kinh tế không thực sự dư dả, lựa chọn một chiếc xe máy cũ để làm phương tiện đi lại là hợp lý. Hiếm hoi tại chợ xe trong cảnh chợ chiều, chúng tôi vẫn gặp được một vài khách hàng vẫn giữ ý định tìm mua xe cũ. Sau khi thử đi thử lại qua nhiều cửa hàng, anh Nguyễn Văn Nhân (Cầu Giấy) đã lựa chọn một chiếc xe Wave Alpha cũ với giá 9 triệu đồng. Anh Nhân cho hay, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, nhà có 3 người nhưng chỉ có 1 chiếc xe máy là phương tiện đi lại. Nay cô con gái đã đi học đại học cũng cần thêm một chiếc xe nữa để đi lại, do đó anh quyết định mua thêm một chiếc xe cũ.
Theo Ban quản lý chợ xe máy cũ Dịch Vọng, hơn 90% ở đây là xe không chính chủ. Anh Trần Hùng, một chủ cửa hàng ở đây, theo anh biết thì khi người đang sử dụng xe máy chứng minh được xe hợp pháp thì cho làm thủ tục sang tên. Do đó, hiện tại những người kinh doanh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người mua có thể làm thủ tục sang tên đổi chủ được dễ dàng nhất. Cũng theo anh Hùng, trước đây mua, bán một chiếc xe máy cũ chỉ cần giấy đăng ký xe là đủ nhưng giờ các chủ xe đều yêu cầu thêm một số giấy tờ phôtô như chứng minh nhân dân, số điện thoại, giấy xác nhận mua bán có xác nhận của địa phương…
Thủ tục sang tên đổi chủ xe máy: Người làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe cần có: Giấy chứng minh nhân dân. Trường hợp chưa được cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc nơi thường trú ghi trong giấy chứng minh nhân dân không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình sổ hộ khẩu. Tiếp đến là các giấy tờ liên quan đến phương tiện như giấy khai đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, chứng từ chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định, chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định. Đăng ký sang tên thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số hoặc 4 số thì cấp đổi sang biển 5 số theo quy định) và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe cho chủ xe mới. Đối với những xe chuyển từ tỉnh khác chuyển đến thì không cần giấy chứng nhận đăng kí xe mà thay vào đó là giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển nhượng quy định và hồ sơ gốc của xe theo quy định. Đối với những xe di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác cần phải có chứng từ chuyển nhượng xe theo quy định. Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển nhượng xe. Khi chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe mới phải đóng thuế trước bạ theo quy định, đối với xe máy mức thu là 2%. Đầy đủ hồ sơ, người dân mang đến các cơ quan: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.