(HNM) - “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà/Tháng Hai đình đám, tháng Ba hội hè” - lễ hội - đặc biệt là mùa lễ hội đầu xuân đã trở thành một sinh hoạt có vị trí lớn, thậm chí là rất lớn của người Việt trong xã hội truyền thống. Trải suốt chiều dài lịch sử, lễ hội hiện diện trong đời sống văn minh mang theo hai khía cạnh giá trị lớn: Tưởng nhớ, tri ân công đức các vị tiền bối, anh hùng lịch sử, người có công với nước với làng; duy trì gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng bầu văn hóa dân gian…
Tuy nhiên với tính chất hướng về giá trị tâm linh, tinh thần, được thực hành trong đời sống thực tế của cộng đồng, lễ hội có những thay đổi theo thời gian và luôn phụ thuộc vào ứng xử của xã hội.
Bên cạnh nhiều giá trị tốt đẹp được gìn giữ, lan tỏa thì sự biến tướng của lễ hội là có thật khi hoạt động này nhiều lúc, nhiều nơi được nhìn nhận, duy trì vì mục tiêu lợi ích, cả ở nhiều phía - tổ chức, khai thác, kinh doanh hoạt động và người hành lễ, thực hành tín ngưỡng. Những biểu hiện là vô cùng đa dạng, dễ thấy như kinh doanh bằng mọi giá bất chấp sự sai lệch về ý nghĩa sự kiện, bất chấp việc hủy hoại môi trường…
Người tham gia lễ hội nhiều khi vì nhiều lý do, có khi là hiểu biết chưa đầy đủ, có khi là chạy theo đám đông mà có nhiều hành động phản cảm, quá khích, đẩy nhiều trò vui, trò đẹp, hình ảnh tích cực của lễ hội đi xa khỏi ý nghĩa ban đầu. Ví như rải tiền lễ, cúng đốt vàng mã vô tội vạ, trông xe với mức giá “cắt cổ”, xô đẩy, giẫm đạp, tranh cướp lộc; hay như hiện tượng mà truyền thông lên tiếng mạnh mẽ vừa qua là ồ ạt dâng sao giải hạn, ngồi tràn lan gây ách tắc giao thông…
Hậu quả không thể phủ nhận là nhiều trường hợp lãng phí, tốn kém tiền của, đi xa và đi ngược với vẻ đẹp, ứng xử phù hợp của lễ hội truyền thống, tiếp tay cho những hành vi trục lợi tâm linh. Chưa kể, những biến tướng và ứng xử không đẹp tại lễ hội cũng sẽ tác động tiêu cực, làm hao mòn vẻ đẹp văn hóa truyền thống trước con mắt hàng nghìn du khách đến với nước ta dịp này.
Trả lại chân giá trị, xây dựng, bồi đắp không gian lễ hội đặc sắc, đẹp đẽ của người Việt là việc làm vì cộng đồng và cho chính cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực về nhiều mặt cho địa phương, cả nước. Tuy nhiên, muốn có điều đó thì cần đến một tâm thế khác, một nếp ứng xử khác, một phương thức quản lý lễ hội phù hợp.
Những dấu hiệu tích cực từ mùa lễ hội 2019 cho thấy nếu các ngành, các cấp, mỗi người dân dành sự quan tâm, công sức vun đắp cho hoạt động này từ những việc thật cụ thể thì mục tiêu gìn giữ, phát huy vẻ đẹp giá trị lễ hội là hoàn toàn khả thi. Ví như, ban quản lý nhiều lễ hội ở các địa phương đã thay đổi phương thức tổ chức một cách quy củ, chặt chẽ, văn minh hơn; điều tiết việc tham gia các hoạt động nghi lễ, hội với tinh thần hướng về giá trị thiết thực, tốt đẹp.
Lễ hội đầu năm phải là hoạt động tạo thành động lực tinh thần to lớn trong cộng đồng, không gây lãng phí tốn kém, không đi ngược lại với quy luật tự nhiên, tôn trọng trật tự thiên nhiên… Đặc biệt, thực hành lễ hội còn là một hoạt động tiêu biểu thể hiện ứng xử văn hóa nơi công cộng. Vì vậy, sự lên tiếng thường xuyên, kịp thời của các chuyên gia, các nhà văn hóa một cách trực tiếp hoặc thông qua truyền thông nhằm hướng dẫn cộng đồng thực hiện nghi lễ đúng đắn là rất cần thiết.
Cùng với đó, trước mắt, để sự biến tướng lễ hội không đi quá xa, những hành vi phản cảm, trục lợi từ lễ hội… phải được xử lý thật nghiêm minh.
Mỗi ngành, mỗi nhà, mỗi người nếu tự đặt mình trước những khát vọng tốt đẹp, với tấm lòng thành, tâm thức tôn giáo hướng về điều chân, thiện, thì chắc chắn mỗi mùa lễ hội sẽ vẹn tròn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.