(HNM) - Cuộc vận động
Các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về bán tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Minh Hương |
Những năm gần đây, nhiều DN "nội" như Vinamilk, Kinh Đô, May 10, May Việt Tiến… đã tích cực mở rộng mạng lưới phân phối khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra thuận lợi ở các DN lớn, có thế mạnh về vốn và kinh nghiệm. Còn lại, phần lớn DN sản xuất hàng tiêu dùng là các DN vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới phân phối riêng. Bên cạnh đó, về mặt chăm sóc đại lý và các tiểu thương bán hàng, DN "nội" cũng chưa học hỏi được kinh nghiệm của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam như Unilever, P&G, Pepsi… Vì vậy, hiện nay phần lớn tiểu thương các chợ truyền thống đang bán tới 70-80% hàng hóa có thương hiệu ngoại. Dù biết việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm là một trong những thách thức lớn nhất của DN, nhưng để có chỗ đứng lâu dài, bền vững trên thị trường, không cách nào khác là phải tìm hướng đầu tư, cải thiện hệ thống phân phối hàng hóa. Với hệ thống khoảng 5.000 chợ và 280.000 cửa hàng kinh doanh, kênh phân phối qua chợ truyền thống hiện vẫn chiếm ưu thế trong hệ thống phân phối hàng hóa, đặc biệt ở nông thôn. Khi các DN "nội" chưa xây dựng được kênh phân phối hàng hóa ở địa phương, thì bắt buộc người tiêu dùng phải đến chợ truyền thống, chợ đầu mối để mua sắm. Vì vậy, để có thể tiêu thụ lượng lớn hàng sản xuất trong nước, đồng thời tăng độ phủ của hàng Việt, DN cần phải tập trung, chú trọng giới thiệu sản phẩm tại các chợ lớn, chợ chuyên bán buôn bán lẻ.
Trong khi các công ty đa quốc gia đủ sức mạnh tài chính để chiếm sóng truyền hình, thì nhiều DN "nội" vẫn có cách làm riêng. Theo đánh giá của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, DN Việt Nam ngày càng quan tâm củng cố và phát triển thị trường nội địa, tăng cường mở rộng hệ thống phân phối ở chợ truyền thống thông qua đầu tư, thực hiện đồng bộ các chương trình quảng bá sản phẩm, liên kết tiểu thương. Với cách tiếp thị thân thiện, thường xuyên tìm hiểu tâm tư, tình cảm của tiểu thương, tư vấn cách trưng bày, khuyến mãi, xếp kho, nhân viên bán hàng của nhiều DN đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết đến mức tiểu thương sẵn sàng trưng bày sản phẩm của DN "nội" mà không tính phí. Một kinh nghiệm nữa được nhiều DN sử dụng hiệu quả là xã hội hóa mọi nguồn lực để phát triển công ty. Những DN lớn như Vinamit, Vinacacao… còn gắn kết nhà phân phối, cửa hàng, đại lý thành một khối bằng cách mời các bên tham gia làm cổ đông của công ty, cùng hưởng lợi nhuận và có trách nhiệm với công ty trong việc phân phối. Đại diện dự án "Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống" cho biết, được sự ủng hộ của các ngành chức năng, dự án đã thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia, tạo thiện cảm và kết nối hiệu quả với tiểu thương. Đồng thời, số lượng quầy, sạp hàng Việt tăng 20-30%; mặt hàng, sản phẩm tăng 30-50%; các hoạt động trưng bày, giới thiệu hàng Việt cũng tăng đáng kể; khả năng nhận biết sản phẩm, thương hiệu Việt của người dân ngày càng được nâng lên. Dự án còn huấn luyện bán hàng cho 1.200 tiểu thương, thu hút hàng chục nghìn lượt người đến tham quan mua sắm tại "Ngày vàng hàng Việt". Theo các chuyên gia phân phối nhiều kinh nghiệm, khi người dân Việt Nam còn di chuyển chủ yếu bởi xe máy và xe đạp, thì thói quen đi chợ truyền thống sẽ vẫn được duy trì trong nhiều năm nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.