Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chớ thấy sóng cả…!

Vũ Duy Thông| 21/03/2011 06:47

(HNM) - Nghị quyết 11 của Chính phủ thể hiện quyết tâm rất lớn đi cùng với những quyết sách mạnh mẽ trong nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay là chống lạm phát. Nghị quyết 11 nhấn mạnh tới các biện pháp về lãi suất, chi tiêu công, ổn định thị trường vàng và USD, kiểm soát giá cả thị trường. Nhưng để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội, toàn dân tham gia chống lạm phát.


Ai cũng nhận thấy, ở nước ta lạm phát có nguyên nhân rất lớn từ thị trường vàng và USD. Trên thế giới, thị trường tiền tệ ở không ít quốc gia, nhất là các nước phát triển, tự chủ về tài chính, không có hiện tượng cùng một lúc tồn tại trong lưu thông 3 loại "tiền": vàng, USD và đồng tiền quốc gia. Thị trường những nước ấy không mua bán bằng đô la và vàng. Muốn mua được một thứ hàng hóa nào đó, phải đổi vàng hoặc ngoại tệ ra tiền bản địa qua ngân hàng. Ở nước ta, vàng và USD có thể thay thế tiền mặt, càng mua bán những hàng hóa có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa, các dịch vụ thương mại lớn như gửi tiền ngân hàng, thư tín dụng, càng cần vàng và USD. Chính vì vàng và USD trở thành một loại "nội tệ" như vậy nên nó có thể điều tiết được giá cả và khiến Việt Nam phụ thuộc hơn vào thị trường thế giới. Nếu không chủ động điều tiết được thị trường vàng và USD, trong đó Nhà nước được sự giúp đỡ, hợp tác của người dân, việc chống lạm phát sẽ rất khó khăn.

Lạm phát còn có nguyên nhân từ nhập siêu. Nước ta luôn trong tình trạng nhập nhiều hơn xuất từ nhiều năm nay. Nhập siêu qua con đường chính ngạch gồm nhiều chủng loại hàng, trong đó chủ yếu là các nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc… để phát triển sản xuất. Nhưng chiếm một tỷ lệ không nhỏ ( hàng chục tỷ USD) là các mặt hàng chưa thật cần thiết (chủ yếu là trang bị công như ô tô, máy điều hòa nhiệt độ không khí, thiết bị tin học...) hoặc hàng xa xỉ (chủ yếu là trong dân cư, như điện thoại di động, thiết bị điện, rượu ngoại, quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm…).

Lạm phát gắn liền với các biến động giá của thị trường. Bên cạnh việc quản lý thị trường chưa tốt, chưa kiểm soát có hiệu quả hàng lậu là tình trạng đầu cơ giá, ăn theo giá khá phổ biến. Mớ rau, con cá, củ hành, chai tương chắc không chịu ảnh hưởng nhiều từ những chính sách vĩ mô và thị trường thế giới nhưng đã nhiều năm nay giá lương thực, thực phẩm luôn tăng hàng đầu. Thời gian qua, giá lương thực, thực phẩm (không chỉ gạo, thịt, cá mà cả những thứ vừa kể trên) cũng tăng giá từ 10% đến 20% do… giá xăng dầu, giá điện, giá ngoại tệ và vàng thế giới tăng. Rõ ràng là ý thức hợp tác chống lạm phát của người dân chưa cao.

Tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước và của Hà Nội đều tăng ở mức kỷ lục. Điều đó chứng tỏ các biện pháp kiềm chế giá hàng tiêu dùng chưa phát huy hiệu quả tích cực. Chưa phát huy hiệu quả thì cần điều chỉnh cho phù hợp, không nên vì thế mà hoang mang. Điều cần lúc này là "chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", toàn dân, toàn xã hội phải quyết tâm hơn nữa, hợp tác hơn nữa với Nhà nước để chống lạm phát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chớ thấy sóng cả…!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.