(HNM) - Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp Tết Nguyên đán và lợi dụng tâm lý thích mua hàng giá rẻ, hàng khuyến mãi của người dân, các tiểu thương đã trà trộn các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ảnh minh họa |
Diễn biến phức tạp
Theo quy định, ngoài các điều kiện cần thiết khác, tất cả các hàng hóa lưu thông trên thị trường đều cần phải có mã vạch giúp người tiêu dùng phân biệt được chính xác hàng thật, hàng giả. Thế nhưng, theo khảo sát của phóng viên những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại một số chợ dân sinh, quy mô vùng như chợ Đông Phương Yên, chợ Chúc Sơn (Chương Mỹ); chợ Quảng Oai (Ba Vì); chợ Hạ Bằng, chợ Bình Phú (Thạch Thất); chợ Sấu (Hoài Đức)… cho thấy, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan, có diễn biến phức tạp. Hàng nhái, hàng giả được bày bán tại các chợ rất đa dạng, từ thực phẩm khô, bánh kẹo, thuốc lá, đến xà phòng, nước rửa chén bát, nước mắm, quần áo, mỹ phẩm, túi xách, thậm chí cả đồ điện dân dụng...
Tại đây, những mặt hàng thu hút đông khách hàng mua sắm nhất dịp cận Tết phải kể đến đó là bánh mứt kẹo không đóng gói, hạt bí, thực phẩm khô…, song hầu hết không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất và hạn sử dụng. Bên cạnh đó, mặt hàng dễ nhận biết thật, giả nhất được bày bán công khai trên vỉa hè nhiều tuyến đường cũng như tại các quầy trong chợ phải kể đến quần áo, túi xách. Điểm chung là những mặt hàng này đều nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước và quốc tế, không có nhãn mác, hoặc bị cắt nhãn mác khiến người tiêu dùng không thể nhận biết chính xác nguồn gốc xuất xứ, chất liệu sản phẩm. Đáng nói, để thu hút khách, các tiểu thương đã sử dụng hệ thống loa để quảng cáo, mời chào khách với âm lượng rất lớn, như thách thức với cơ quan chức năng...
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đăng Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất thừa nhận, tại các chợ dân sinh trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng tiểu thương bày bán nhiều hàng hóa (chủ yếu là bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm) không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, không được cấp bảo hộ nhãn hiệu, không mã vạch… Mặc dù tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, song đến nay địa phương vẫn chưa thể kiểm soát hết được.
Bà Nguyễn Thị Phương Tri, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, những ngày áp Tết, lợi dụng sức mua tăng, nhiều tiểu thương đã tranh thủ mở quầy hàng “di động” bán bánh mứt kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm khô… trong đó trà trộn cả hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý tại địa phương.
Theo tin từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) TP Hà Nội, trong năm 2017 vừa qua, các ngành chức năng thành phố đã tập trung kiểm tra hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Cụ thể, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 9.973 vụ (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016); xử lý 9.216 vụ (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016). Chỉ tính riêng tháng 1-2018, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó phải kể đến vụ tạm giữ hơn 1 tấn bánh kẹo nhập ngoại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do Đội Quản lý thị trường số 15, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ vào ngày 8-1 vừa qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn xảy ra, đặc biệt vào những ngày giáp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe; trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau.
Nhằm kiểm soát hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các lực lượng tập trung thực hiện tốt việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các sở, ngành - thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch chuyên đề trên cơ sở bám sát thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 tập trung xác định rõ trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.