(HNM) - Còn 10 ngày nữa mới đến thời điểm Bộ áp giá trần bán lẻ đối với một số mặt hàng sữa, nhưng trên thực tế, nhiều cửa hàng đã muốn
Nguyên tắc xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Mặc dù chưa đến thời điểm ngày 21-6, song nhiều cửa hàng đã sẵn sàng cho việc giảm giá. Nhưng ngược lại, một số cửa hàng, siêu thị bán sữa vẫn chưa nhận được "hiệu lệnh" từ nhà phân phối…
Khi trần giá sữa được áp dụng cho bán lẻ liệu có xảy ra tình trạng loạn giá? Ảnh: Thanh Hải |
Còn 10 ngày nữa mới đến thời điểm Bộ áp giá trần bán lẻ đối với một số mặt hàng sữa, nhưng trên thực tế, nhiều cửa hàng đã muốn "kéo" khách đến bằng việc giảm giá bán lẻ trước thời hạn. Tại một số cửa hàng bán buôn sữa ở Hà Nội, 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi của 5 hãng sữa đã được điều chỉnh giảm giá bán lẻ, sau khi những hãng này áp giá trần bán buôn theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Chủ một cửa hàng trên phố Sơn Tây cho biết, sau khi nhận được thông báo từ hãng về việc giảm giá bán buôn với một số dòng sản phẩm của Abbott, cửa hàng đã giảm giá bán lẻ. Nhiều sản phẩm đã giảm 50.000-60.000 đồng/hộp, như sữa Abbott Grow 3 (thường) bán với giá 258.000 đồng/hộp (giảm hơn 50.000 đồng/ hộp so với trước); sữa Grow IQ 3+ giảm từ 420.000 đồng/hộp loại 900g xuống còn 360.000 đồng/ hộp… Ở một cửa hàng khác trên phố Đào Duy Anh, một số mặt hàng sữa cũng được điều chỉnh giảm, thậm chí, có những loại giảm mạnh, với mức giảm 100.000-140.000 đồng/sản phẩm. Ví dụ như hộp Similac GainPlus IQ loại 1,7kg bán với giá mới là 727.000 đồng/hộp, giảm gần 140.000 đồng; sữa Grow G-Power vanilla loại 1,7kg/hộp giảm khoảng 100.000 đồng xuống còn 641.000 đồng/hộp.
Song không phải tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này đều giảm đồng loạt, với mức giảm như nhau. Vì thời điểm áp giá trần bán lẻ còn hơn 10 ngày nữa, nên trên thị trường vẫn diễn ra theo hướng mỗi nơi một kiểu. Có những cửa hàng chưa giảm giá với lý do chưa đến ngày quy định, vì vậy nhiều sản phẩm vẫn "đứng giá" ngay cả khi giá trần đã hạ. Ở một cửa hàng đại lý trong Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai), chưa có loại sữa nào giảm. Cụ thể, sữa Grow loại 400g của Abbot bán với giá: Grow 1: 168.000 đồng/hộp, Grow 2: 160.000 đồng/hộp, Grow 3: 150.000 đồng/hộp; Friso gold trọng lượng 900g giá 460.000 đồng/hộp…
Tại một số cửa hàng trên phố Đào Duy Anh, cả 25 sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi hầu như đã giảm giá, nhưng mỗi cửa hàng lại niêm yết một giá, chênh lệch khoảng 20.000-30.000 đồng/hộp. Lý do của sự khác biệt này, chủ một cửa hàng cho rằng, thời điểm để buộc phải áp giá trần bán lẻ chưa đến, hơn nữa, một số cửa hàng còn chưa nhận được "hiệu lệnh" từ nhà phân phối, nên đây chỉ là chiêu thức cạnh tranh nhằm thu hút khách. Trên thực tế, ngay cả khi quy định phải niêm yết theo giá trần đối với bán lẻ thì giá sữa cũng khó đồng nhất. Bởi, giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng các chi phí hợp lý có liên quan, nhưng không quá 15% giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, tỷ lệ 15% dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá). Như vậy, tùy từng cửa hàng sẽ có chính sách bán giá khác nhau, với những cửa hàng lớn, giá có thể thấp hẳn, gần sát với giá nhập buôn, nhưng những cửa hàng nhỏ sẽ có mức giá cao hơn. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các cửa hàng sẽ không quá xa. Giá sữa còn tùy thuộc vào từng cửa hàng, chỉ những cửa hàng hợp tác với hãng sữa sẽ được bù giá, còn không sẽ phải tự cân đối, nhất là những cửa hàng nhỏ lẻ nhập sữa từ nguồn không chính thức, không được công ty áp giá trần nên khó có thể giảm giá…
Câu hỏi đặt ra là: Liệu sau khi trần giá sữa được áp dụng cho bán lẻ, tình trạng "loạn" giá có xảy ra? Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, theo quyết định, giá trần là áp dụng chung cho cả nước. Tuy cùng một loại sữa, giá bán ở Hà Nội có thể khác với giá bán ở miền núi, song đều phải nằm trong khung quy định. Để kiểm tra, giám sát việc này, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu UBND các cấp, đặc biệt là các cơ quan chức năng của địa phương phải vào cuộc phối hợp giám sát. Nếu có trường hợp giá bán cao hơn giá trần công bố, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra để xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.