(HNM) - Từng bước dẹp
Chợ được sắp xếp lại trật tự tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. |
Xây dựng chợ tiện ích
Hiện tượng "chợ cóc" họp vô tội vạ trên vỉa hè tại Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính đã tồn tại từ 10 năm nay. Cùng với đó là nhiều tuyến đường trong khu đô thị biến thành bãi trông giữ xe ô tô. Khu vực sân chơi của các tòa nhà bị xe cộ đỗ kín khiến người dân không còn chỗ để vui chơi, tập thể dục. Các hàng ăn, hàng nước "mọc" lên giữa tuyến đường liên thông của các tòa nhà. Rác thải cũng vì thế được vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ở khu C2 có một bãi đất trống bị bỏ hoang nhiều năm nên các tiểu thương chiếm dụng kinh doanh thịt, cá, rau, dưa… gây mất trật tự đô thị, ách tắc giao thông.
Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính có 19 tòa nhà tái định cư với hàng nghìn người dân sinh sống. Tình trạng trên khiến dư luận rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để giải quyết. Trước tình hình đó, ngày 14-8-2017, UBND quận Thanh Xuân có Văn bản số 1163/UBND-QLĐT phê duyệt Đề án sắp xếp trật tự tại Khu đô thị N Trung Hòa - Nhân Chính, giao cho UBND phường Nhân Chính triển khai thí điểm trong thời gian 3 tháng.
Từ 1-10-2017, khu đất C2 đã chính thức được cải tạo thành khu chợ phục vụ người dân Khu đô thị N với "bộ mặt" mới khang trang hơn. Chính quyền địa phương đã cho dọn dẹp vệ sinh, kẻ vạch sơn, lắp đặt thùng rác và 50 quầy hàng liền ô che, trong đó có 20 hàng rau, củ, quả; 19 hàng thực phẩm tươi sống; 11 hàng khô. Giờ họp chợ được phân bổ hợp lý: Từ 6h-9h sáng, 11h-13h trưa, 16h-21h đêm. Các ki ốt bán hàng giống như những chiếc xe đẩy bằng inox nên rất cơ động.
Phía trên xe đẩy có mái che hoặc ô đồng màu để tránh nắng, tránh mưa.
Bà Nguyễn Thị Ngoan, người dân khu N cho biết, từ khi triển khai dự án, hàng quán không còn tràn vỉa hè, lòng đường như trước. Sau mỗi khung giờ bán hàng, các hộ kinh doanh thu dọn bàn ghế, quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Điều đáng nói, các tiểu thương chỉ buôn bán trong khu đất C2, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Cần nhân rộng cách làm hay
Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, đề án cơ bản đã giải quyết được vấn nạn “chợ cóc”, thiết lập trật tự, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Mô hình chợ được xây dựng với các quầy hàng cơ động, triển khai trong 4 tháng, nhận được ủng hộ của người dân. Để công khai minh bạch, UBND phường Nhân Chính xét duyệt hồ sơ đợt 1, ưu tiên 50 tiểu thương là các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo, việc làm bấp bênh, diện tái định cư…
Thời gian tới, UBND phường tiếp tục xét duyệt đợt 2 gồm 20 trường hợp, ưu tiên người dân có nhu cầu kinh doanh đang sinh sống tại các tòa nhà khu N. Thực tế cho thấy, mô hình chợ tiện ích này rất bài bản và cơ động, sẽ rất tốt nếu được triển khai ở các quận trên địa bàn Hà Nội.
Hiện nay, hầu hết các quận nội thành đều tập trung đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hằng ngày rất lớn. Trong khi đó, số lượng chợ dân sinh còn “phủ sóng” ít nên phát sinh “chợ cóc”. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc thực hiện mô hình chợ cơ động như phường Nhân Chính thì hầu hết các địa phương đều cho rằng rất khó để thực hiện khi mà quỹ đất công không còn nhiều.
Tại phường Thanh Xuân Nam cũng đã áp dụng mô hình giống như ở phường Nhân Chính để dẹp chợ cóc tồn tại đã 20 năm trong ngõ 475 đường Nguyễn Trãi nhưng không thành công. Nguyên nhân được ông Đỗ Kiên Cường, Chủ tịch UBND phường cho biết, do phường không còn quỹ đất công để sắp xếp lại trật tự đô thị.
Việc thực hiện này cũng khó khăn với quận Tây Hồ khi quỹ đất công dành cho chợ hiện nay không còn - ông Dương Việt Hùng, Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Tây Hồ cho biết.
Việc tận dụng, biến các “chợ cóc” thành những "chợ cơ động" phục vụ nhu cầu dân sinh tại phường Nhân Chính là việc làm hay, có thể từng bước xóa bỏ “chợ cóc” trên địa bàn thành phố. Vì vậy, nếu các địa phương có được sự đồng thuận và những quyết sách phù hợp với nhu cầu thực tế, mô hình này sẽ phát huy được hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.