Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Pháp chấn động bởi bê bối tài chính

Đình Hiệp| 12/04/2013 07:06

(HNM) - Còn hơn 48 giờ nữa là đến thời hạn chót ngày 15-4 để các bộ trưởng của Pháp phải hoàn tất kê khai tài sản cá nhân theo yêu cầu của Tổng thống Francois Hollande. Giải pháp nhằm minh bạch hóa tài chính nền chính trị nước Pháp được xem là giải pháp quyết liệt chưa từng thấy của ông chủ điện Elysee đối với các thành viên nội các.

Song, quyết định được ví như "việc chẳng đừng" này cũng là một nước đi khôn khéo trong bối cảnh bàn cờ chính trị Pháp đang bị rúng động mạnh bởi các vụ bê bối trốn thuế liên quan đến nhiều quan chức chính phủ.

Vụ gian dối của cựu Bộ trưởng Ngân sách J.Cahuzac (phải) đã mở đầu cho những bất ổn của chính trường Pháp.



"Vận hạn" của điện Elysee bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái khi một trang mạng tung ra thông tin Bộ trưởng Ngân sách lúc bấy giờ, ông Jerome Cahuzac đang che giấu một tài khoản 600.000 euro ở nước ngoài. Bí mật động trời đã khiến ngài bộ trưởng được giao trọng trách chống lại nạn trốn thuế phải từ chức vào ngày 19-3. Nhưng bi kịch thực sự đối với chính phủ của đảng Xã hội chỉ bắt đầu khi ông Cahuzac chính thức thừa nhận là chủ nhân của tài khoản kín ở nước ngoài suốt hơn 20 năm nay vào ngày 2-4 sau nhiều tháng kêu oan. "Quả bom sự thật" mà cựu bộ trưởng thân tín của Tổng thống F.Hollande vừa kích nổ đã tạo nên những chấn động liên hoàn trên chính trường đất nước hình lục lăng. Tiếp sau ông Cahuzac, đến lượt người phụ trách về tài chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông F.Hollande, Jean-Jacques Augier bị cáo buộc trốn thuế với việc đầu tư vào hai công ty tại đảo Cayman. Sự việc vẫn chưa hai năm rõ mười, nhưng có điều rõ ràng là những tai tiếng này đã đánh thẳng vào uy tín của công dân số 1 nước Pháp.

Chưa khi nào kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2012, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống F.Hollande và Thủ tướng Jean Marc Ayrault xuống thấp như hiện nay, chỉ lần lượt ở mức 31% và 36%. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, nhiều cử tri Pháp không chỉ không hài lòng với cách chính quyền xử lý vụ bê bối tài chính vừa qua, mà còn muốn Tổng thống F.Hollande có một cuộc cải tổ nội các sâu rộng sau "sự cố" chính trường. Do đó, việc yêu cầu các thành viên chính phủ công khai tài sản là một nỗ lực để khôi phục lại hình ảnh vốn đã bị sứt mẻ của Điện Elysee. Cho rằng, hành vi gian lận tài chính của các nhân vật chủ chốt trong bộ máy hành pháp của chính phủ là "một sai lầm về đạo đức không thể tha thứ được", Tổng thống F.Hollande trong một phát biểu mới đây cam kết sẽ "chuẩn hóa đạo đức" trong giới chính trị gia Pháp.

Giữa lúc làn sóng chỉ trích hành vi gian lận tài chính của các quan chức chính phủ đang chấn động đất nước hình lục lăng, việc làm thế nào để đưa nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vượt qua thách thức hiện nay cũng là bài toán không dễ với Tổng thống F.Hollande. Để phù hợp với dự đoán của Ủy ban Châu Âu (EC) cũng như tình hình thực tế, Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici mới đây phải thông báo điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 của Pháp có thể là 0,1%, thay vì 0,8% như dự đoán trước đó. Còn mức dự kiến cho năm 2014 sẽ được điều chỉnh từ 2% xuống 1,2% và hy vọng năm 2015 có thể tăng trưởng 2%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã vượt ngưỡng 10% - một con số đáng báo động không chỉ riêng với nước Pháp mà cả với Liên minh Châu Âu - giữa lúc Pháp đang nỗ lực phục hồi đà tăng trưởng để thực hiện các cam kết về ngân sách với EC khi phải giảm thâm hụt xuống dưới ngưỡng 3% GDP vào cuối năm nay và đưa tỷ lệ này xuống còn 2% đến năm 2014.

Khó khăn kinh tế cộng với bê bối gian lận của cấp dưới, Tổng thống F.Hollande đang trải qua những tháng ngày đầy thử thách. Trong tình hình hiện nay, việc làm trong sạch nội các để khôi phục lòng tin của người dân với chính phủ có ý nghĩa quan trọng nhất đối với Paris. Tuy nhiên, để lấy lại những gì đã mất chắc chắn không phải chuyện giản đơn và sẽ là một hành trình dài đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự linh hoạt và quyết tâm của người đứng đầu nước Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Pháp chấn động bởi bê bối tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.