Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách ưu đãi thuế có bị lợi dụng?

Hương Ly| 16/04/2016 08:28

(HNM) - 1.629 tỷ đồng là số tiền thuế đã được Tổng cục Thuế truy thu, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong quý I-2016. Trong quý II, Tổng cục sẽ bổ sung vào kế hoạch thanh tra một số doanh nghiệp (DN) lớn, trong đó có những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Hệ thống siêu thị BigC Việt Nam có tên trong danh sách thanh tra thuế năm 2016.


Sau khi một loạt các tên tuổi lớn trên thị trường phân phối chuyển đổi chủ sở hữu, câu hỏi được dư luận quan tâm là phải chăng những ưu đãi trong chính sách thuế đã bị không ít DN FDI lợi dụng?

Phát hiện nhiều sai phạm

Kết thúc quý I-2016, số thu nội địa do toàn ngành Thuế thực hiện đạt 202.679 tỷ đồng, bằng 25% dự toán. Toàn ngành cũng đã thanh tra, kiểm tra 6.510 DN, với tổng số thuế tăng thu là 1.629 tỷ đồng. Trong đó, truy thu 893,3 tỷ đồng, truy hoàn 167,9 tỷ đồng, phạt 548,9 tỷ đồng, số thuế điều chỉnh tăng thu qua kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế là 19,4 tỷ đồng.

Ngay đầu quý II, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra thuế năm 2016, trong đó tăng thêm 45 DN vào danh sách thanh tra. Trong số này, có nhiều DN lớn như các DN thuộc hệ thống siêu thị BigC Việt Nam, các DN chuyển nhượng vốn lớn, có dư địa tăng thu, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim… Bộ Tài chính cũng chỉ đạo chọn khoảng 10 DN trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu rủi ro cao về thu ngân sách trung ương để thanh tra trong quý II sau khi cập nhật dữ liệu quyết toán thuế năm 2015 vừa hoàn thành trong quý I.

Mặc dù kết quả thanh tra, kiểm tra thuế tại các DN trong quý I đã thu được kết quả tốt. Tuy nhiên, từ vụ rò rỉ khoảng 11,5 triệu tài liệu liên quan đến vụ việc chấn động "Hồ sơ Panama" vừa được công bố đã cho thấy những lỗ hổng trong việc kiểm soát các hành vi gian lận thuế trên toàn cầu, nhất là đối với các công ty đa quốc gia. Điều này không là ngoại lệ đối với Việt Nam, một quốc gia đang hội nhập sâu rộng với thế giới và đã đón nhiều công ty đa quốc gia vào làm ăn. Việc kiểm soát hoạt động tài chính và thực hiện nghĩa vụ thuế của các công ty này nhằm thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN trên thực tế không đơn giản.

Ngăn chặn hành vi trốn thuế, né thuế

Kết quả nghiên cứu, hợp tác giữa ActionAid Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam vừa công bố ngày 13-4 cho thấy, chính sách thuế đã được sử dụng như một đòn bẩy để kích thích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mỗi năm, thuế thu nhập DN của Việt Nam ước giảm 20 triệu USD do các chính sách miễn giảm thuế từ các hiệp định thương mại. Số tiền này ước bằng 5 lần chi ngân sách cho giáo dục, 3 lần chi ngân sách y tế của Việt Nam vào năm 2012.

Con số trên cho thấy, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi. Song, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn (Tổng cục Thuế), bên cạnh những nhà đầu tư chân chính, đã có không ít trường hợp hưởng ưu đãi của Chính phủ trong thời gian ưu đãi và lập tức rời bỏ Việt Nam khi hết thời gian "vàng". Nhiều DN còn có các chiêu trốn thuế, né thuế tinh vi để thực hiện hành vi gian lận về thuế.

Để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, né thuế, theo ông Nguyễn Văn Phụng, cần tổ chức các lực lượng thực thi đủ mạnh trong bộ máy quản lý như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chống chuyển giá, mở rộng diện khấu trừ thuế tại nguồn. Đặc biệt là việc thực hiện cơ chế định giá trước (APA). Theo cơ chế này, DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài không nên thực hiện bằng mọi giá. Từ việc rò rỉ thông tin trốn thuế tại "Hồ sơ Panama" cho thấy, ngoài hành vi trốn thuế, các tổ chức, cá nhân còn thực hiện mục tiêu rửa tiền. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thiết lập mạng lưới liên kết nhằm kiểm soát dòng tiền các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều cần thiết là phải kiểm soát sự luân chuyển dòng tiền, nguồn gốc của dòng tiền đó và hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn thấp nhất rửa tiền. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, qua đó hạn chế thất thu NSNN.

Báo lỗ vẫn có thể bị truy thu thuế

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về việc thu thuế chuyển nhượng hai siêu thị Metro và BigC thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, trên thực tế, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp, sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu… của Metro và BigC đều liên quan đến quyền kinh doanh. Cơ quan thuế sẽ áp dụng nhiều biện pháp để không bỏ sót nguồn thu. Dù DN có báo lỗ nhưng cơ quan thuế sẽ thu thuế đúng theo quy định. Đơn cử trường hợp của Siêu thị Metro, mặc dù tập đoàn này kêu lỗ trong thời gian dài, nhưng khi ông chủ của Metro bán cơ sở dẫn đến có thu nhập thì ngành Thuế sẽ phải thu khoản thuế này.

Trước đó, cuối tháng 4-2015, Tổng cục Thuế đã ra quyết định điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế, với tổng số tiền 507 tỷ đồng với Công ty Metro Cash&Carry Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy, công ty này có nhiều vi phạm liên quan đến chuyển giá, trốn thuế. Trên thực tế, Công ty Metro hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với số vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Sau 12 năm, doanh thu tại Việt Nam tăng gấp 24 lần, nhưng DN liên tục báo lỗ, với lý do doanh thu chưa bù đắp được giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. Theo Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm cuối năm 2015, việc truy thu thuế với Công ty Metro Cash&Carry Việt Nam cơ bản đã hoàn thành.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách ưu đãi thuế có bị lợi dụng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.