Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách nhiều ý nghĩa

Thiện Mỹ| 22/10/2021 06:10

(HNM) - Thành phố Hà Nội hiện có gần 7.000 trẻ học tại 138 cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục, ở địa bàn có khu công nghiệp. Đây là khu vực khó huy động xã hội hóa các nguồn lực dành cho giáo dục vì hầu hết bố mẹ các trẻ đều là công nhân lao động, thu nhập không cao.

Do đó, việc thành phố dành nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở giáo dục này mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh toàn xã hội đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, các cơ sở mầm non đóng cửa trong thời gian dài.

Thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục, ở địa bàn khu công nghiệp có nhiều khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Dù vậy, các trường, lớp vẫn nỗ lực cố gắng duy trì chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ để người lao động các khu công nghiệp tin tưởng gửi con em mình...

Nhằm bảo đảm công bằng cho trẻ học giữa các loại hình trường công lập và dân lập, giữa các địa bàn khác nhau, ngày 23-9-2021, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Việc hỗ trợ của thành phố dành cho các cơ sở này tuy chưa nhiều (từ 20 đến 40 triệu đồng/cơ sở), nhưng thể hiện rõ sự quan tâm, là động lực để các cơ sở tăng trách nhiệm trong chăm lo cho các trẻ. Điều này không chỉ truyền năng lượng tích cực đến chủ các cơ sở giáo dục và giáo viên, mà còn lan tỏa đến phụ huynh của trẻ, giúp họ an tâm gửi gắm con, tập trung cho lao động, sản xuất...

Sự hỗ trợ của thành phố trước mắt tạo điều kiện cho những cơ sở giáo dục này được đầu tư trang thiết bị dạy học hoàn thiện hơn, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục mầm non ở những nơi còn nhiều khó khăn trên địa bàn thành phố.

Chính sách hỗ trợ được thành phố triển khai từ năm học 2021-2022, nên ngay thời điểm này, UBND các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp cần rà soát lại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục đủ điều kiện thụ hưởng. Trong đó, phải lựa chọn đúng đối tượng và việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất phải đúng quy định. Đây là điều cốt yếu để chính sách phát huy hiệu quả và nguồn lực đầu tư của thành phố không bị lãng phí.

Sau khi cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ, cơ quan chức năng của thành phố và địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện chính sách công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để nhân dân, phụ huynh biết, cùng giám sát việc mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất... Qua đó bảo đảm việc đầu tư phục vụ trực tiếp cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ... 

Về phía các cơ sở giáo dục mầm non, do số tiền được thành phố hỗ trợ chỉ 1 lần nên cần đặt trẻ vào trung tâm của sự đầu tư, sao cho nguồn hỗ trợ phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Điều lệ trường mầm non và quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất của thành phố mang nhiều ý nghĩa, đang được các cơ sở giáo dục mầm non, nhiều phụ huynh đón đợi vì tính thiết thực và sâu xa hơn nữa là chung tay vì sự phát triển của trẻ cũng như nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nhiều ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.