Tài chính

Chính sách lãi suất cần đồng bộ với chính sách khác

Đức Anh 02/07/2023 - 07:26

Mặt bằng lãi suất đã giảm nhiều so với thời điểm cuối năm 2022 nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chậm khiến tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, để chính sách giảm lãi suất tín dụng thật sự có hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ các chính sách khác giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

hanoimoi.com.vn-uploads-images-ngohuong-2023-03-30-_nh.jpg
Ảnh minh họa.

Ba thách thức lớn với doanh nghiệp

Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là "sức khỏe" của doanh nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn địa - chính trị và diễn biến lạm phát trên thế giới làm tổng cầu tiêu dùng suy giảm, khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chậm tiêu thụ, hàng tồn kho nhiều.

Trong báo cáo mới nhất về kinh tế 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra 3 thách thức lớn với doanh nghiệp. Đó là xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp; khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài, làm nghẽn sự luân chuyển dòng vốn của nền kinh tế và khiến đầu tư co hẹp lại.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng có 3 động lực đáng kỳ vọng, đó là lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích tiêu dùng nội địa. Cũng theo các chuyên gia của MBS, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thấm nhanh vào nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những thách thức. Tuy nhiên, nếu việc triển khai không kịp thời, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ dưới 6%. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,5% xuống còn 6,2%.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh đánh giá, tình trạng mất cân đối cung - cầu có thể trầm trọng thêm nếu thiếu sự kết hợp chính sách tài khóa - tiền tệ với liều lượng phù hợp. Nếu nền kinh tế tiếp tục được bơm thêm tiền theo các kênh khác nhau, như đầu tư và tiêu dùng tư nhân, để thúc đẩy tăng trưởng thì lạm phát sẽ có nguy cơ vượt chỉ tiêu đề ra.

Một kịch bản khác cũng có thể xảy ra là tập trung các giải pháp cần thiết ngăn chặn đà suy giảm kinh tế ở mức tối thiểu, sau đó, chọn thời điểm để vận hành chính sách tiền tệ và tài khóa một cách tổng lực để vực dậy nền kinh tế. Sự lựa chọn trọng tâm chính sách này có vai trò quan trọng để nền kinh tế ứng phó với bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Cũng theo ông Đặng Xuân Thanh, giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là ưu tiên hàng đầu để giải quyết các khó khăn và thách thức mà nền kinh tế đang gặp phải, nhất là khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang sụt giảm.

Kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ

Để thúc đẩy tổng cầu, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo đó, chính sách giảm, miễn, giãn, hoãn thuế... giúp người dân hưởng lợi trực tiếp vì làm giảm chi phí tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Với một loạt các giải pháp đồng bộ về tài khóa và tiền tệ, cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc, tín dụng tăng trưởng chậm cho thấy doanh nghiệp gặp khó, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng suy giảm dẫn đến nhu cầu vốn giảm sút. Sức sống của doanh nghiệp chính là yếu tố cốt lõi để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khả năng hấp thụ vốn. Trong bối cảnh hiện nay, cần cố gắng đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi, minh bạch thúc đẩy dòng vốn chảy vào doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tiềm năng.

Cũng theo các chuyên gia, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực, còn lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh chính sách lãi suất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế, quan trọng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách lãi suất cần đồng bộ với chính sách khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.