Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục giảm lãi suất: Ngân hàng chủ động giúp doanh nghiệp

Hà Linh| 13/06/2023 06:34

(HNM) - Tính đến hết tháng 5-2023, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang chậm lại. Bởi vậy, các ngân hàng thương mại đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Nguyễn Quang

Tín dụng tăng 3,17%

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là khoảng 14-15%. Tính đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng trên 3,17% so với cuối năm 2022. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, thị phần tín dụng chiếm khoảng 44% nhưng tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức mà Ngân hàng Nhà nước giao. Còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, nhưng hiện tăng trưởng mới đạt khoảng một nửa mức được giao. Ông Phạm Thanh Hà nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu hơn đáng kể so với 2022.

Nguyên nhân chính hạn chế khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cho là doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong đầu ra tiêu thụ dẫn tới thiếu đơn hàng, khiến nhu cầu vay vốn giảm sút. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần gặp phải tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi cho nên chưa đáp ứng được điều kiện tiếp cận vay vốn của ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng bất động sản giảm do thị trường gặp khó khăn, ít có dự án mới được triển khai, thiếu hụt nguồn cung.

Đại diện các ngân hàng cũng thừa nhận, mặc dù có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản của hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, do cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn khi các động lực tăng trưởng đều suy yếu; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Từ tháng 3 đến tháng 5-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất điều hành (liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, 4 và 5), trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn còn đang trong tiến trình tăng lãi suất nhằm đối phó lạm phát. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, lãi suất cho vay của các khoản vay mới bình quân là 9,07%/năm, giảm 0,9% so với cuối năm 2022.

Ngân hàng chủ động kết nối với doanh nghiệp

Để đưa nguồn vốn đến nhiều hơn với doanh nghiệp, lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn với tinh thần "doanh nghiệp sống sót, ngân hàng mới sống sót". Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất lớn, trong đó, từ ngày 1-1 đến 30-4, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% lãi suất cho 130.000 khách hàng, với số tiền giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Từ ngày 1-5 đến 31-7, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ khoảng 700.000 tỷ đồng. Vietcombank sẽ tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.

Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) thông tin, cùng với việc giảm lãi suất, MB đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Từ đầu năm 2023 đến nay, MB đã triển khai các gói tín dụng tổng trị giá 120.000 tỷ đồng phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Tăng trưởng tín dụng của MB trong những tháng đầu năm đạt khoảng 6,5%. Với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng hết tháng 6 đạt mức 9% và sẽ tốt hơn trong các tháng còn lại.

Các ngân hàng cũng đề xuất các ngành chức năng giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn rủi ro hệ thống, trục lợi chính sách. Đồng thời, các bộ, ngành tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ưu tiên cho các dự án trọng điểm…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, lãi suất đang giảm và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, ngành khác cần phối hợp đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục giảm lãi suất: Ngân hàng chủ động giúp doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.