Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách không sát thực tiễn

Kim Nhuệ| 14/09/2015 06:21

(HNM) - Theo quy định của pháp luật, họ là những người vi phạm nhưng thực tế nhu cầu sử dụng đất đai, phát triển kinh tế ở địa phương thì đây lại là những người năng động, những mô hình làm ăn được nhân dân ủng hộ.



Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang đặt ra vấn đề: Làm thế nào để hài hòa lợi ích, nhu cầu chính đáng của nông dân với chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nâng cao giá trị đất canh tác tại huyện Thường Tín là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện tại.


Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lê Lợi Nguyễn Văn Chiển, xã có nhiều diện tích đất trũng, mỗi năm chỉ cấy được một vụ ăn chắc còn một vụ năng suất bấp bênh; đồng ruộng xa khu dân cư, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng yếu kém… Năm 2000, hàng chục hộ dân có ruộng canh tác ở những khu vực này có đơn xin chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi. Thời điểm đó chưa có chủ trương chuyển đổi nên xã không giải quyết. Trước bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nông dân, năm 2003, xã "làm lơ" cho 42 hộ dân tự dồn đổi, chuyển 12,1ha đất trũng trồng lúa kém hiệu quả làm mô hình lúa - cá - vịt. Đánh giá mô hình canh tác này cho giá trị gấp nhiều lần trồng lúa nên năm 2005, xã quy hoạch thêm diện tích để chuyển đổi. Cuối năm 2005, đã có 156 hộ dồn đổi ruộng trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, với tổng diện tích 62,3ha. Hiện tại xứ đồng Chiêm Chính, thôn Từ Vân đang có 11 hộ nuôi vịt và thả cá, hộ có diện tích nhỏ nhất là 7 sào, hộ nhiều nhất là 1,8 mẫu.

Ông Đào Văn Hiểu, một trong những người tham gia mô hình lúa - cá - vịt cho biết: Nếu không được chính quyền cho chuyển đổi, nông dân sẽ không có cơ hội phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông đang nuôi 2.000 con vịt đẻ lấy trứng, dưới ao thả cá, năm nào cũng có lãi tối thiểu 50 triệu đồng, so với trồng lúa giá trị cao gấp 5 lần. Nhờ đó, gia đình đã có bát ăn bát để.

Không chỉ vậy, xã Lê Lợi có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ thuộc loại lớn nhất miền Bắc. Người dân ở đây cho biết, giá nhân công giết mổ gia cầm được tính mỗi giờ 17.000 đồng, trẻ em và người cao tuổi đều làm được, do vậy nông dân ở Lê Lợi không thiết tha với nghề làm ruộng. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Gia, ở Lê Lợi, diện tích đất bị bỏ hoang, hoặc cấy nhưng không chăm sóc có năm lên đến 50ha. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều gia đình hỗ trợ tiền cày bừa, phân bón... cho nông dân huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đến canh tác trên ruộng của mình. Năm 2013, xã thực hiện dồn điền, đổi thửa, nguyên tắc mỗi hộ nhận một thửa đất tốt, gần khu dân cư và một thửa đất trũng, trồng lúa kém hiệu quả, xa khu dân cư... Kết quả là nhiều hộ không muốn nhận phần đất xấu... Các tiểu ban dồn điền, đổi thửa đã hứa với nông dân sẽ lập đề án, đề nghị huyện Thường Tín cho chuyển đổi các khu đất này sang nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi. Do vậy đã có 28 hộ xung phong nhận ruộng tại xứ đồng Quýt, 23 hộ nhận ruộng tại xứ đồng Cày Máy, với tổng diện tích 15,3ha. Sau khi nhận ruộng, các hộ đã thuê máy xúc đào ao, kè bờ bao, làm chuồng trại chăn nuôi, nhà tạm trông nom... Phát hiện vi phạm, huyện Thường Tín "tuýt còi", yêu cầu xã tổ chức lực lượng ngăn chặn, không cung cấp điện...

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Văn Hoàn, một trong những người xung phong nhận đất ở xứ đồng Cày Máy cho biết: Nếu các cấp không cho chuyển đổi thì chúng tôi đành phải bỏ ruộng hoang, bởi đất ở khu vực này quá xấu, năng suất lúa chỉ đủ chi phí sản xuất, trồng lúa là không đủ ăn...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Lưu Văn Phúc cho biết: Biết là khu vực này có nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả nhưng pháp luật quy định về bảo vệ diện tích trồng lúa nên huyện vẫn phải thực hiện cưỡng chế. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 400ha đất trũng cần chuyển sang nuôi trồng thủy sản, 200ha đất cao, thiếu nước sản xuất muốn chuyển sang trồng cây ăn quả, rau màu... Ông Phúc cũng cho biết, Chính phủ có Nghị định số 35 như giúp huyện giải bài toán hài hòa lợi ích của nông dân với chiến lược bảo đảm an ninh lương thực của Nhà nước nhưng đến nay chưa có cấp nào hướng dẫn thực hiện nghị định này. Muốn nâng cao giá trị đất canh tác, nông dân vẫn phải... chờ cơ chế. Nhiều người dân cho rằng, nếu không sớm đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, giải tỏa khó khăn về mặt cơ chế này sẽ làm giảm hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa và gây khó cho nông dân.

Ngày 13-4-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 và thay thế Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 về quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, 3 điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản: Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã; trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách không sát thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.