Nhiều trạm bơm được cải tạo, nâng cấp, xây mới; hàng trăm ki lô mét kênh mương được kiên cố mặt bờ, nạo vét lòng dẫn..., góp phần tạo nên những cánh đồng trù phú ở Mỹ Đức. Thời gian tới, Mỹ Đức cần đầu tư nhiều công trình đầu mối, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, làm gia tăng giá trị đất canh tác, nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Tăng khả năng tiêu nước, tránh ngập úng
Về Mỹ Đức những ngày này, chúng tôi thật sự ấn tượng trước sự “mạnh tay” của các cấp trong đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, dự án kiên cố 2,2km bề mặt hai bờ và mái, nạo vét lòng dẫn tuyến kênh Cầu Gỗ - Sâu Gia đã cơ bản hoàn thành.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thanh Hường, công trình này hoàn thành sẽ tăng khả năng tiêu nước, tránh ngập úng cho khoảng 1.120ha đất sản xuất nông nghiệp, khu dân cư thuộc các xã: Phù Lưu Tế, Xuy Xá, Hồng Sơn, Hợp Tiến, thị trấn Đại Nghĩa, tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp...
Theo Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Tế Trịnh Thế Biển, việc đầu tư dự án nêu trên là niềm mong mỏi của bà con trong xã. Bởi vào mùa mưa lũ, khu vực này thường bị ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân. Vì vậy, khi Nhà nước có dự án, bà con ở đây rất đồng thuận và tạo thuận lợi cho đơn vị thi công.
Tương tự, người dân các xã: Mỹ Thành, Phúc Lâm, Đồng Tâm, Thượng Lâm, Tuy Lai, An Mỹ, Bột Xuyên... vui mừng khi chứng kiến nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng Trạm bơm tưới Đức Môn.
“Lo thiếu nước tưới, nông dân ở đây không mở rộng diện tích trồng cây vụ đông xuân. Khi công trình này hoàn thành (năm 2024), gia đình và các hộ dân trong xã sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, rau màu hữu cơ...”, ông Nguyễn Tiến Điệp, nông dân xã Mỹ Thành vui mừng cho biết.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường, hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Đức đã huy động hàng trăm tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, xây mới các trạm bơm: Hòa Lạc (thuộc xã An Tiến), Hội Xá, Phú Yên (xã Hương Sơn), Cầu Đổ - Chân Chim (xã Phúc Lâm)... Nhiều cống lấy nước và tiêu nước, như: Lễ, Bạch Tuyết (xã Hùng Tiến), Cầu Dậm (xã Hợp Tiến), Tân Độ (xã Xuy Xá)… đã được đầu tư. Bên cạnh đó, hơn 265km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa, hơn 1.221km kênh còn lại đều được nạo vét, tu bổ thường xuyên...
Nhờ chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi, đến nay, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp, 99,9% diện tích phi nông nghiệp của huyện Mỹ Đức đã được tưới, tiêu chủ động. Nhiều xã đã chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống, hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt tại các xã: Bột Xuyên, Đại Hưng, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hương Sơn, An Phú... đã hình thành hơn 4.500ha vùng chuyên canh sen, cây dược liệu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản... cho thu nhập 200-250 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Mỹ Đức năm 2022 đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng 47,7 triệu đồng so với năm 2010...
Ưu tiên đầu tư công trình đầu mối
Dù hệ thống thủy lợi nội đồng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng thực tế huyện Mỹ Đức vẫn còn nhiều công trình đầu mối thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố, như các trạm bơm: Phù Lưu Tế 1 (xây dựng năm 1975), Đốc Tín (1986), An Phú (1987)... đang bị hư hỏng, xuống cấp, chỉ khai thác tối đa 60-65% công suất thiết kế.
Đặc biệt, những công trình này, theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức Đoàn Văn Thắng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, không chỉ cho chính công trình mà còn cho cả công nhân vận hành. Bên cạnh đó, hồ chứa nước Quan Sơn được xây dựng từ năm 1960-1961 để cung cấp nước tưới chủ động cho khoảng 3.200ha đất nông nghiệp thuộc 10 xã của huyện Mỹ Đức. Thế nhưng, hồ này hiện bị bồi lắng nghiêm trọng, làm giảm dung tích trữ, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn...
Trao đổi với phóng viên, người dân và lãnh đạo các xã: Hợp Tiến, Hồng Sơn, Tuy Lai, Phù Lưu Tế, Đốc Tín, An Phú... rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công trình thay thế để đồng bộ với hệ thống thủy lợi nội đồng đã đầu tư...
Liên quan đến việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, huyện đã rà soát, lập danh mục công trình cần thiết phải đầu tư đến năm 2025. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp, nên huyện Mỹ Đức đã báo cáo các sở, ngành kiểm tra, đề xuất thành phố ưu tiên bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp những công trình đầu mối nêu trên.
Thực tế, Mỹ Đức đã được thành phố Hà Nội quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô. Trên cơ sở đó, huyện Mỹ Đức định hướng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, mỗi héc ta canh tác trên địa bàn đạt từ 200 triệu đồng trở lên, nâng mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm...
Đầu tư đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn nước, tiết kiệm điện năng trạm bơm tiêu thụ, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân... Từ thực tế trên, các sở, ngành liên quan sớm tham mưu UBND thành phố xem xét, giải quyết đề xuất của huyện Mỹ Đức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.