Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được kỳ vọng thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, định hướng cho nông dân, hợp tác xã sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Tại Diễn đàn "Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông" được tổ chức tại huyện Thường Tín vừa qua, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp cho rằng, sau hơn 5 năm triển khai, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP vẫn còn nhiều bất cập. Với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP quy định, đòi hỏi chủ trì tham gia liên kết phải có đủ năng lực tài chính. Mức hỗ trợ cho trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng sản xuất chỉ tối đa 30% chi phí, tức là các hợp tác xã phải đối ứng tới 70%. Điều này là khó khả thi đối với mô hình kinh tế tập thể.
Hơn nữa, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP cũng chưa nêu rõ nguồn kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn đầu tư hay nguồn kinh phí sự nghiệp. Hợp tác xã có thể được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Thế nhưng, hợp tác xã rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, nhất là các đơn vị tư vấn có năng lực...
Là một trong những đơn vị tham gia chuỗi liên kết, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cho hay, các nội dung hỗ trợ của chuỗi chủ yếu là hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ trực tiếp sản xuất, còn các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ trì liên kết không được hưởng, chỉ được hưởng lợi khi cung ứng giống, vật tư và thu mua sản phẩm, nhưng lại chậm được thanh toán phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ (sau ít nhất 3 vụ, tương ứng từ 1 đến 2 năm đối với từng loại sản phẩm).
Do chậm được thanh toán kinh phí hỗ trợ, dẫn đến việc cung ứng giống, vật tư không có lãi, thậm chí bị lỗ khi có biến động tăng giá, khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã đã khó khăn về nguồn vốn kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Chưa kể, việc sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân. Mặt khác, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP cũng chưa thống nhất với các chính sách khác mà Nhà nước đã ban hành, gây khó khăn trong quá trình triển khai tại địa phương.
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Tuy nhiên, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green và các doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét giảm quy định thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm, xuống còn 3 năm và có hướng dẫn cụ thể về công tác giải ngân từng danh mục hỗ trợ, bố trí nguồn kinh phí riêng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, cần cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ để Hà Nội có căn cứ thực hiện hiệu quả chính sách này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.