Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền địa phương bất lực?

Thúy Nga| 06/04/2015 06:18

(HNM) - Trong khi lúa xuân ở địa phương lân cận đương thì con gái lên xanh mướt, thì ở hai xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi (Thường Tín) hàng chục héc ta đất canh tác vẫn bỏ hoang, lãng phí.

Thiếu đất sản xuất, bà Nguyễn Thị Dự, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình mượn ruộng để trồng rau bí.


Nông dân đã chán ruộng?

Tại cánh đồng thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, nhiều bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, giao thông thủy lợi nội đồng cơ bản đã được đào đắp thuận lợi cho sản xuất nhưng nhiều thửa ruộng vẫn chưa thấy bóng dáng của cây lúa, trong khi khung thời vụ gieo cấy kết thúc hơn tháng nay. Ủy viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Nguyễn Trãi Hoàng Minh Tuấn lắc đầu ngao ngán: "Chúng tôi đã nỗ lực vận động nhân dân ra đồng nhận ruộng gieo cấy lúa xuân nhưng mới chỉ cấy được 45% diện tích trong tổng số 42ha đất canh tác. Đây là vụ thứ 3, hàng chục héc ta canh tác ở thôn Gia Phúc bỏ hoang". Ông Nguyễn Trường Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trãi cho biết, mọi tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác DĐĐT ở thôn Gia Phúc cơ bản đã được khắc phục, xã Nguyễn Trãi cũng đã xử lý kỷ luật một số cán bộ buông lỏng quản lý đất đai theo kiến nghị của nhân dân. Tuy nhiên, chuyển sang bước gắp phiếu nhận ruộng trên sơ đồ thì chưa đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân về việc đắp một con bờ phân định ranh giới giữa đất công và đất tư. Mặt khác, việc xử lý giải tỏa vi phạm đất đai trên địa bàn chưa dứt điểm cũng là nguyên nhân người dân chưa gắp thăm nhận ruộng gieo cấy. Ông Xuân nhận định: "Nông dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp do lãi ít nên đã đi làm việc khác, dù có nhiệt tình vận động nhưng một số hộ không còn mấy mặn mà"!?

Nghịch cảnh trên cũng xảy ra tại xóm 6, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, 3 vụ qua, khoảng 18,4ha đất canh tác vẫn bỏ trắng do những tồn tại, vướng mắc trong công tác DĐĐT. Khảo sát xứ đồng Cửa Vàng, Gò Hến… của thôn cho thấy, người dân vẫn có nhu cầu về đất sản xuất. Bà Nguyễn Thị Dự, xóm 6, thôn Thụy Ứng cho biết, trước đây gia đình được giao 3,6 sào ruộng tại khu vực Só Đường Châu và 3 mảnh ruộng chân mạ tại cánh đồng Gò Hến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, diện tích ruộng khu vực Só Đường Châu chỉ cấy được 2 vụ, còn lại khoảng 10 năm qua, diện tích này không thể canh tác được. Không có ruộng, nhiều năm qua, gia đình bà phải đi mượn ruộng cấy lúa, trồng rau. "Nguyện vọng của chúng tôi mong muốn địa phương sớm hoàn thành công tác DĐĐT để nhân dân có ruộng cày, với những nơi không có khả năng thực hiện DĐĐT thì cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để có thu nhập" - bà Dự đề nghị.

Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác DĐĐT trên địa bàn huyện Thường Tín, trong Thông báo số 170/BC-TTBCĐ ngày 17-6-2014, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu huyện Thường Tín hoàn tất hồ sơ xử lý 22 hộ vi phạm về đất đai tại thôn Gia Phúc…; tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương DĐĐT, trước mắt vận động nhân dân nhận ruộng để tổ chức sản xuất vụ mùa 2014. Đối với xã Hòa Bình, đi đôi với công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của DĐĐT, chính quyền xã cần tiếp tục đối thoại với người dân, nếu vẫn thiếu sự đồng thuận thì không thực hiện DĐĐT tại xóm 6, thôn Thụy Ứng. Chỉ đạo là vậy, nhưng việc triển khai tổ chức thực hiện của chính quyền hai địa phương này rất lúng túng. Tại xã Nguyễn Trãi, chính quyền địa phương chưa giải tỏa dứt điểm vi phạm về đất đai trả lại nguyên hiện trạng ban đầu, lý do theo Bí thư Đảng ủy xã là "cần phải thực hiện theo lộ trình (!)". Còn tại xã Hòa Bình, sau 10 lần sửa đổi vẫn chưa phê duyệt được phương án DĐĐT xóm 6.

Tìm hiểu được biết, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Thường Tín và hai xã trên đã chỉ đạo khá quyết liệt, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân thấy rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong chỉ đạo DĐĐT. Xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi tổ chức làm đất, điều tiết nước phục vụ gieo cấy mấy vụ qua nhưng một bộ phận nhân dân thôn Gia Phúc và xóm 6, thôn Thụy Ứng vẫn không gieo cấy là điều đáng tiếc.

Thiết nghĩ, DĐĐT gắn với xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện cho sản xuất, đem lại hiệu quả, thu nhập cao hơn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, không nên đánh đồng giữa việc chính quyền chưa xử lý dứt điểm vi phạm đất đai với dừng cấy lúa. Cũng không nên vì một số tồn tại, vướng mắc trong công tác DĐĐT lại chưa nhận ruộng trước đây được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ để sản xuất, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của các hộ dân. Liên quan đến trách nhiệm này, bất luận nguyên nhân gì, việc đất nông nghiệp hoang hóa mấy vụ liền cho thấy năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi còn những hạn chế. Nếu như tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng nhân dân vẫn không cấy, phải có biện pháp sử dụng đất hiệu quả như chỉ đạo đoàn thể địa phương tổ chức sản xuất, hoa lợi thu được có thể hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong trường hợp nhân dân chán ruộng, không còn nhu cầu thì đối chiếu quy định của pháp luật có thể tiến hành thu hồi giao cho người khác có nhu cầu sử dụng. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền địa phương bất lực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.