(HNMO) - Phát biểu cuối buổi chiều 25-5 tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Về diễn biến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng cho biết, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì mô hình truyền thống đó là quý sau cao hơn quý trước mà có xu hướng giảm dần.
"Quý I tăng cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý I năm 2017. Các quý còn lại của 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng, lại phải so sánh với mức khá cao của các quý cuối năm 2017. Điều này dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và đang làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ giải pháp đề ra, hoặc kỳ vọng về mức tăng trưởng cao ở các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Để khắc phục điều này, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành kiên định thực hiện nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; đồng thời yêu cầu các ngành tăng cường giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng quyết tâm thực hiện mục tiêu, kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức 6,7%.
Chất lượng tăng trưởng, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù còn ở mức thấp nhưng đã có nhiều cải thiện trong giai đoạn 2011 - 2017. Cụ thể, cả 4 khía cạnh đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP cao, các chỉ số về đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp, năng suất lao động, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đều diễn biến tích cực.
Bộ trưởng nêu về tín hiệu đáng mừng khi năng suất lao động nước ta đang có xu hướng tăng dần trong những năm vừa qua, trong đó năm 2017 đạt mức tăng khoảng 6% và tăng bình quân là 4,7%/năm trong giai đoạn 2011-2017.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ như triển khai xây dựng đề án về các giải pháp thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh tác động và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sáng mai (26-5), buổi cuối của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng các bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Công Thương và Tài chính sẽ tham gia phát biểu ý kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.