(HNM) - Về xã Đại Thành, huyện Quốc Oai giữa tiết trời thu, những vườn cây ăn quả bạt ngàn xanh mướt dường như làm cho không gian trở nên yên tĩnh hơn.
Một buổi diễn của các nghệ sỹ chèo Đại Thành (Quốc Oai).
Ông Hoàng Văn Sản, phụ trách CLB hay đúng hơn là "ông bầu" của CLB đã nhiều năm say đắm trong những làn điệu chèo và coi đó như một cái "nghiệp". Là Thiếu tá về hưu, nhận thức xây dựng NTM là một quá trình hết sức gian nan, nên ông muốn thông qua những vở chèo để động viên, khích lệ nông dân tham gia cùng chính quyền xây dựng quê hương giàu đẹp. Đầu tiên phải nói đến vở kịch nói "Chuyện nhà ông Nghiêm", kịch bản của một nhà giáo về hưu viết về chuyện xây dựng NTM. Tâm đắc với kịch bản, ông Sản đã chuyển thể từ kịch nói sang Chèo, với những làn điệu của chèo, vở diễn đã đạt được thành công ngoài sự mong đợi. "Chuyện nhà ông Nghiêm", câu chuyện cảm động về ông Nghiêm đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân gia đình, trong sự phản đối của các con, hiến mảnh đất cho chính quyền địa phương mở rộng trường mầm non. Biết bao dự định, toan tính thiệt hơn của các con đã được ông tháo gỡ thấu tình đạt lý.
Ông Sản cho biết: Trong xây dựng NTM ngoài các vấn đề lớn như hiến đất làm đường, công trình công ích, giữ gìn đời sống văn hóa nông thôn cũng là việc làm cấp bách. Người già ở nông thôn giờ buồn và cô đơn hơn ở thành phố, lại thiếu nơi giải trí, thư giãn, nên CLB chèo là nơi để những người có tuổi tìm được sân chơi bổ ích cho mình. Còn con trẻ thường chỉ thích những hình thức văn hóa ngoại lai sôi động. Chỉ có điều lai căng chưa đủ độ nên nửa vời và có nhiều hệ lụy. Cuốn hút con trẻ vào các giai điệu truyền thống cũng là cách để các cháu "cân bằng" văn hóa. Thành viên của CLB đủ các thế hệ, từ những học sinh phổ thông tới những cụ già bảy mươi, tám mươi tuổi. Tất cả khi bắt nhịp trong điệu chèo đều hòa làm một, đồng điệu, nhịp nhàng. Hát chèo trở thành cầu nối yêu thương, đùm bọc và gắn kết tình người ở làng Đại Thành. Tiếng thơm chiếu chèo Đại Thành ngày càng bay xa, tháng 1-2012, Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội quyết định thành lập CLB UNESCO nghệ thuật hát chèo Quốc Oai, lấy hạt nhân là CLB chiếu chèo và nhạc lễ Đại Thành. Đây là sự động viên, khích lệ để diễn viên CLB tiếp tục cống hiến, giữ gìn nghệ thuật hát chèo truyền thống.
Đang dở câu chuyện về những chuyến lưu diễn thú vị của CLB, bà Nguyễn Thị Mận, vợ ông Sản nói: Ông nhà tôi trẻ ra là nhờ có chèo đấy. Đặc biệt, nội dung các vở kịch chèo ở đây mang đậm chất "đời", để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Chất "đời" được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện nho nhỏ từ đời sống như tác hại của uống rượu bia khi tham gia giao thông, nạn bạo hành gia đình, giáo dục con cái, tình làng nghĩa xóm… qua lời ca tiếng hát của những người "nghệ sỹ nông dân", quanh năm chân lấm tay bùn. Ban ngày làm việc vất vả khi đêm về, họ đắm say trong những làn điệu chèo. Những người nông dân như Lê Thị Hoa, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Văn Cỏn… đã trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Bà Nguyễn Thị Vân nói: Ban ngày chị em phụ nữ ở đây vẫn chạy chợ để lo miếng cơm và thu vén cuộc sống thường nhật nhưng dường như hát chèo là niềm vui của họ để xóa đi những vất vả của cuộc sống. Dáng người gầy còm, đen sạm, ông Nguyễn Văn Cỏn thành viên của CLB cho biết: Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ, truyền bá và phát huy nghệ thuật chèo, không gian văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc cho các thế hệ mai sau. Với phương châm "trẻ hóa đội ngũ diễn viên", từ chỗ đa số là diễn viên cao tuổi, đến nay, CLB thu hút được nhiều thành viên trẻ tham gia với giọng ca ngọt, sắc như chị Hoàng Thị Hường, Hoàng Thị Chín, Trần Thị Thúy, Hoàng Thị Trang...
Những người nông dân ở đây không nhớ nổi số lần biểu diễn và thành tích mà họ gặt hái được. Khát khao được giữ gìn văn hóa quê hương đã và đang là động lực để những người dân trụ vững trên sân khấu chèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.