Luận đàm thời sự

Chiến tranh toàn diện không phải là câu trả lời

Trọng Nhân 16/10/2023 - 07:29

Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel gần đây đáng bị lên án, khi những tay súng này giết hại nhiều dân thường và bắt giữ một số lượng lớn con tin. Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và tiến hành không kích vào Dải Gaza, song quan trọng là câu trả lời này sẽ đi về đâu...

Cho đến nay, phản ứng mà các quan chức Israel vạch ra dường như đang nhanh chóng chuyển sang chiến tranh tổng lực: Không chỉ là các cuộc không kích mà còn là khả năng cho một cuộc tấn công trên bộ, đồng thời cam kết thắt chặt phong tỏa Dải Gaza để cắt điện và ngăn chặn việc nhập khẩu thực phẩm và thuốc men.

Cách tiếp cận này có thể dẫn đến cái chết của hàng trăm, hàng nghìn thường dân Palestine, gây ra đau khổ to lớn cho hơn hai triệu cư dân còn lại của lãnh thổ. Phản ứng trước các cuộc tấn công của Hamas là phù hợp, nhưng chiến tranh toàn diện không phải là câu trả lời - cả về mặt đạo đức hay chiến lược.

Đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan điểm của họ cho đến nay là “dốc toàn lực” ủng hộ cách tiếp cận của Tel Aviv, bao gồm việc triển khai một nhóm tàu sân bay tới khu vực và cam kết đẩy nhanh việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Israel. Cách tiếp cận này được cho có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, gây bất ổn cho khu vực Trung Đông nói chung.

Ít nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có lẽ cần ra hiệu cho Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng họ phải tuân thủ luật chiến tranh để ứng phó với cuộc tấn công của Hamas, bao gồm cả việc thận trọng để tránh giết hại dân thường. Ngoài ra, Mỹ được cho là nên phối hợp với các bên khác trong khu vực để thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn thảm họa có thể xảy ra đối với hàng nghìn người Palestine và nhiều người Israel khác nữa.

Khi đánh giá cuộc chiến hiện tại, bối cảnh là điều cần phải được tính đến. Nó bao gồm việc Israel đã phong tỏa Dải Gaza trong suốt 16 năm qua; những phản ứng không cân xứng của nước này trước các cuộc tấn công trong quá khứ dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân Palestine.

Các khu định cư ở Bờ Tây đã làm suy yếu mọi hy vọng về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột. Nói vậy không phải nhằm biện minh cho các cuộc tấn công của Hamas và hậu quả của cuộc xung đột đối với hàng trăm thường dân Israel nhưng rõ ràng, mọi phân tích nguồn gốc của cuộc chiến sẽ không thể bỏ qua những bối cảnh lịch sử nói trên.

Vai trò lịch sử của Iran trong việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Hamas đã làm dấy lên những lời kêu gọi cả ở Washington và Tel Aviv về việc buộc Tehran phải chịu trách nhiệm. Nhưng khả năng diễn ra một cuộc tấn công quân sự vào Iran lúc này là không cao. Các cáo buộc cho rằng Tehran chỉ đạo hoặc hỗ trợ lên kế hoạch cho các cuộc tấn công của Hamas vẫn chưa được chứng minh, mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cam kết điều tra xem liệu điều đó có xảy ra hay không.

Một cuộc tấn công vào Iran cũng có thể sẽ thúc đẩy Tehran tấn công các mục tiêu của Mỹ và Israel trong khu vực, bao gồm cả quân đội Mỹ ở Syria và Iraq. Điều đó có thể làm leo thang bất kỳ sự trả đũa nào từ Mỹ hoặc Israel nhằm vào Iran. Và cứ như vậy, một vòng xoáy xung đột có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lâu dài hơn, đe dọa sự ổn định của khu vực trong nhiều năm tới - cũng là một kết quả chắc chắn bất lợi với Mỹ.

Tóm lại, Israel có quyền tự vệ nhưng Mỹ không nhất thiết phải tán thành các mục tiêu chiến tranh đã nêu của đồng minh, vì những rủi ro mà chúng gây ra sẽ làm suy yếu bất kỳ triển vọng giải quyết xung đột Israel - Palestine nào, cũng như khả năng chúng sẽ kéo người Mỹ tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn khác ở Trung Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến tranh toàn diện không phải là câu trả lời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.