(HNM) - Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử Điện Biên Phủ trên không, những người thợ của Nhà máy cơ khí Mai Động, nay là Công ty TNHH MTV Mai Động đã lập chiến công bắn hạ một máy bay F111
Ông Nguyễn Văn Trung, nguyên Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Mai Động đã khẳng định như vậy khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi về chiến công bắn hạ F111 trong 12 ngày đêm lịch sử của mùa đông năm 1972. Trung đội tự vệ của nhà máy gồm 11 người và hai khẩu pháo phòng không 14,5mm. Nhưng trong chiến dịch 12 ngày đêm năm đó, khẩu đội thường xuyên trực chiến gồm 6 người, gồm khẩu đội trưởng Thái Văn Quang, các chiến sĩ Phạm Thị Viễn, Đỗ Thị Dần, Ngô Thị Hiếu, Đặng Văn Sinh và Nguyễn Văn Trung. Những đêm đầu trong đợt tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, trung đội được giao phục vụ chiến đấu cho một trận địa pháo 100mm của Quân chủng Phòng không - Không quân, cách nhà máy 300m. Nhiệm vụ chính của trung đội là lắp ngòi nổ, chuyển đạn, cứu thương, cứu sập hầm…
Đội nữ tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động.
Ông Trung bồi hồi nhớ lại, vào khoảng 17h ngày 22-12, lúc đó trời đã xâm xẩm tối, chiếc ô tô thùng của Ban Chỉ huy quân sự thành phố đưa một cán bộ đến thông báo di chuyển trận địa. Hai khẩu pháo của lực lượng tự vệ nhà máy được kéo từ Mai Động lên đường đê rồi đến trận địa Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng, tập kết cùng hai khẩu của Nhà máy Gỗ Hà Nội và một của Nhà máy cơ khí Lương Yên. Đây là trận địa pháo cao xạ của một đơn vị chính quy vừa rút đi và mới bị ném bom. Từ vị trí này, tầm bao quát rất rộng, nhìn thẳng sang vòm cầu Long Biên, pháo ta có thể đón lõng máy bay tiêm kích của địch đến từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào Hà Nội thả bom rồi bay thoát ra biển. Chỉ huy trận địa là Trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan trẻ thuộc Ban cao xạ của Quân khu Thủ đô.
Bà Phạm Thị Viễn, nữ pháo thủ trực tiếp chiến đấu trên mâm pháo đêm 22-12 không bao giờ quên giờ phút lịch sử bắn hạ F111. Giọng sôi nổi, bà hào hứng nhớ lại: “Đến khoảng 20h30, có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80km, tất cả vào vị trí chiến đấu. Đến 21h30 thì báo động cấp 3, máy bay địch đã tiến rất gần. Lúc này đèn thành phố đã tắt nhưng đó là đêm lửa đạn ngập trời. Trong những luồng chớp lửa, chúng tôi nhìn nhau, gương mặt ai cũng hốc hác nhưng ánh mắt ngời sáng hướng lên bầu trời. Lúc này tốp máy bay xuất hiện ngày càng gần, chúng bay thấp, theo mặt nước sông Hồng. Anh Hoàng Minh Giám kiên nhẫn quan sát rồi hạ lệnh bắn. Giọng đã khản đặc, anh ra hiệu bằng tiếng kẻng cho chúng tôi. Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa. Tôi ở vị trí pháo thủ số 1 nên thấy rất rõ chiếc F111 bị trúng đạn, phần đuôi của nó loé sáng. Chừng 30 phút sau, một chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy đến. Một sĩ quan nhảy xuống, giọng hồ hởi: “Các chị vừa bắn phải không? Một máy bay F111 rơi rồi nhé. Chúng tôi ôm lấy nhau, vui sướng không sao tả xiết”.
Ông Trung kể thêm, khoảng một tuần sau thì nghe được tin máy bay gãy làm đôi, rơi xuống khu vực vùng núi tỉnh Hòa Bình, hai tên giặc lái bị bắt sống khi đang lẩn trốn. May mắn ông có bức ảnh của một trong hai viên phi công lái chiếc F111 đó, tên là Robert Dennis. Ông cũng mới gặp lại người chỉ huy trên trận địa pháo Vân Đồn năm nào, Trung úy Hoàng Minh Giám, nay đã là một lão nông 75 tuổi. Hết chiến tranh, ông Giám về quê, một xã nghèo thuộc huyện Thạch Thất và trở lại gặp những người đồng đội ở trận địa Vân Đồn sau tròn 40 năm lập chiến công bắn hạ F111.
Ký ức đau thương và lòng quả cảm
Nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn có lẽ là người “nổi tiếng” nhất trong trung đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động vì câu chuyện gia đình đau thương và lòng quả cảm của chị đã được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong bài thơ Máu và hoa: “Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha, mất mẹ/Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.
Một buổi chiều muộn ngày Hà Nội đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tôi ngồi trò chuyện cùng bà trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ ngoằn nghoèo của làng Tương Mai cũ, nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Trên tường, treo ở vị trí trang trọng nhất phòng khách là hình ảnh nữ pháo thủ trẻ măng, đầu chít khăn tang trắng hiên ngang trên mâm pháo, đôi mắt rực lửa căm thù. Giọng chùng xuống, bà kể năm đó mới 21 tuổi, vừa cùng đồng đội lập chiến công bắn hạ máy bay thì bốn ngày sau được tin nhà bị bom B-52 đánh sập tan tành, không tìm thấy xác bố. Nghẹn ngào, bà bảo, đó là ký ức đau thương nhất trong cuộc đời mà mỗi khi nhắc lại, không cầm được nước mắt.
Sinh năm 1951 trong một gia đình nghèo đông con, năm 1966 bà phải khai tăng tuổi để vào học nghề tại Nhà máy cơ khí Mai Động, sau đó chính thức trở thành cô thợ nguội. Một năm sau, năm 1967, trong một trận bom bi máy bay địch rải xuống khu vực Hoàng Mai, bà bị thương ở cổ, vết sẹo lớn khiến suốt những năm thời con gái bà phải quàng khăn. Nhưng đau đớn hơn, ngôi nhà của gia đình bà đã trúng bom tan tành, mẹ mất khi đứa em trai út mới lên 4 tuổi. Ngay ngày hôm sau, cô thợ nguội đã nộp đơn xin vào đội tự vệ nhà máy để phục vụ chiến đấu. Và cô cùng đồng đội đã lập chiến công trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử.
Cố nén xúc động, bà Viễn kể tiếp, sau ngày 22-12, bom Mỹ tiếp tục dội xuống, trận địa pháo của bà không được một phút thảnh thơi, các pháo thủ thay phiên nhau trên mâm pháo. Ngày 26-12, Hà Nội bị B-52 đánh phá ác liệt, còi báo động chốc chốc rú lên từng hồi, khói lửa khắp nơi. Rạng sáng, bà Viễn đang trực chiến thì hai người em gái chạy đến khóc, báo tin dữ: “Chị ơi, nhà mình bị trúng bom, bố chết rồi”. Cùng hai em chạy về nhà, bà Viễn không gặp được ai vì người làng đã đi sơ tán gần hết, đường ngõ vắng hoe. Nhà sập tan tành, chạy ra ao sau nhà thấy cá chết nổi trắng mặt nước, hầm tránh bom của bố chỉ còn là một hố bom sâu hoắm, bàn cá ngựa bố dùng làm nắp hầm cũng vỡ vụn. Ba chị em và mấy người họ hàng tìm đến ngày thứ ba mới thấy bố và người anh họ chỉ còn một phần thi thể. Một bên vạt áo đại cán dính máu, bên trong có CMND; một bàn tay ngón giữa bị co lại trong một lần bố tuốt lúa bị tai nạn, tất cả chỉ có thế...
Các em còn nhỏ, mẹ mất rồi bố mất vì bom đạn chiến tranh, bà Viễn nén đau thương tiếp tục chiến đấu. Sau đó mấy ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo của Nhà máy cơ khí Mai Động. Nhìn thấy nữ pháo thủ trẻ măng đầu trắng khăn tang ngồi bên mâm pháo, Đại tướng liền hỏi thăm hoàn cảnh. Câu chuyện của gia đình bà khiến Đại tướng và nhà thơ hết sức xúc động. Sau đó ít lâu, có người mang đến tặng bà bài thơ Máu và hoa khiến bà rất xúc động, nâng niu giữ gìn như kỷ vật.
Sau chiến dịch 12 ngày đêm, bà Viễn vẫn tham gia đội tự vệ vừa sản xuất vừa trực chiến, đảm nhiệm đến cương vị đại đội phó. Năm 1991, bà nghỉ chế độ, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Nhưng mỗi khi nhắc lại chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử, bà vẫn không giấu nổi niềm xúc động, tự hào. Bà bảo, nhiều lần bà cũng đã kể cho cháu nội, cháu ngoại nghe. Bọn trẻ cũng đã kể lại cho bạn bè ở trường nghe, chúng còn viết thành bài văn kể chuyện được thầy cô khen ngợi. Đó là những niềm vui lớn trong cuộc sống thường ngày của người nữ pháo thủ quả cảm năm nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.