Hà Nội kết nối

Chiêm ngưỡng những bản đúc đồng nổi trên Cửu đỉnh Huế

Vương Nguyễn 20/11/2024 - 13:31

Báo Hànộimới xin giới thiệu những nét đặc sắc của các bản đúc đồng nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế mới được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ được tôn vinh vào Ngày Di sản Việt Nam 23-11 sắp tới.

a265.jpg
Cửu đỉnh Huế được đặt trong sân Thế Tổ Miếu, Hoàng thành Huế từ năm 1837. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích Hoàng thành Huế (TTBTDTHTH)

Ngược dòng lịch sử, Vua Minh Mạng ra lệnh đúc 9 đỉnh đồng (Cửu đỉnh) vào năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành sau gần 2 năm chế tác. Từ đó đến nay, Cửu đỉnh đã luôn hiện diện một cách uy nghiêm, vững vàng trước sân Thế Tổ Miếu, là “chứng nhân” quan trọng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử đất cố đô Huế.

Bên trong Hoàng cung Huế, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.
a264.jpg
Vị trí các đỉnh đồng tại di tích Hoàng thành Huế. Ảnh: TTBTDTHTH
Đặc biệt, trên mỗi đỉnh được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí…

Cửu đỉnh triều Nguyễn vì thế là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp...

Với những giá trị, ý nghĩa lớn lao về văn hóa, lịch sử và là đỉnh cao của kỹ thuật chế tác, Cửu Đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012. Ngày 8-5-2024, trong Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Ulan Bator (Mông Cổ), hồ sơ “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã chính thức được ghi danh Di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

a266.jpg
Cửu đỉnh được vinh danh di sản không chỉ là niềm tự hào của người dân Huế mà còn của cả Việt Nam. Ảnh: TTBTDTHTH

Đây là niềm tự hào lớn lao không chỉ của người dân Huế, mà còn của cả Việt Nam, khẳng định vị thế di sản đặc biệt của cố đô với “Một điểm đến, tám di sản”.

Dụ đỉnh bằng đồng nặng 3.341 cân (tương đương 2.019,6kg), là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại.

a191.jpg
Hình đúc nổi cây trầu trên Dụ đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a192.jpg
Hình đúc nổi Hải Vân quan trên Dụ đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a193.jpg
Hình con dê được đúc nổi sinh động trên Dụ đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Thuần đỉnh bằng đồng nặng 3.229 cân (tương đương 1.951,9kg). Đây là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng đế Đồng Khánh trong Thế Tổ Miếu.

a197.jpg
Hình ảnh cây đào đúc nổi trên Thuần đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a198.jpg
Hình ảnh chim vàng anh trên Thuần đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a199.jpg
Hình núi Tản Viên, một trong những biểu tượng của Việt Nam, đúc trên Thuần đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Anh đỉnh bằng đồng nặng 4.261 cân (tương đương 2. 575,8kg). Đây là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Dực Tông Anh Hoàng đế Tự Đức trong Thế Tổ Miếu.

a203.jpg
Hình cây cau đúc nổi trên Anh đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a204.jpg
Hình sông Mã trên Anh đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a205.jpg
Hình dải ngân hà trên Anh đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Nhân đỉnh bằng đồng nặng 4.160 cân (tương đương 2.514,7kg). Đây là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Thánh tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng trong Thế Tổ Miếu.

a209.jpg
Cây quý Kỳ Nam được đúc nổi trên Nhân đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a210.jpg
Hoa sen đúc nổi trên Nhân đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a211.jpg
Biển Nam trên Nhân đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Cao đỉnh bằng đồng nặng 4.307 cân (tương đương 2.603,6kg). Biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại, được đặt ở vị trí trung tâm và được đặt nhích về phía trước 3m với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

a270.jpg
Cao đỉnh được đặt chính giữa hàng Cửu đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a267.jpg
Hình tượng rồng trên Cao đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Chương đỉnh bằng đồng nặng 3.472 cân (tương đương 2.098,8kg), biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Hiến tổ Chương Hoàng đế Thiệu Trị trong Thế Tổ Miếu.

a206.jpg
Hình ảnh con gà đúc nổi trên Chương đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a207.jpg
Hình sông Gianh trên Chương đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a208.jpg
Hình biển Tây trên Chương đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Nghị đỉnh bằng đồng nặng 4.206 cân (tương đương 2.542,5kg). Đây là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Giản Tông Nghị Hoàng đế Kiến Phúc trong Thế Tổ Miếu.

a200.jpg
Hình ảnh hoa Mai trên Nghị đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a201.jpg
Hàng cau được đúc nổi trên Nghị đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a202.jpg
Hình ảnh Quảng Bình quan trên Nghị đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Tuyên đỉnh bằng đồng nặng 3.421 cân (tương đương 2.068kg). Đây là biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại. Vị trí ứng với án thờ Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế Khải Định trong Thế Tổ Miếu.

a194.jpg
Hình ảnh sông Hồng trên Tuyên đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a195.jpg
Hình ảnh mũi Đại Lãnh, cực Đông trên đất liền của nước Việt Nam, đúc trên Tuyên đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a196.jpg
Hình ảnh sông Lam trên Tuyên đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Huyền đỉnh bằng đồng nặng 3.201 cân (tương đương 1.935kg), biểu tượng cho sự thành công, vững bền của triều đại.

a188.jpg
Hình ảnh cây Lan năm lá trên Huyền đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a189.jpg
Hình ảnh cầu vồng đúc nổi trên Huyền đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH
a190.jpg
Hình ảnh cơn mưa đúc trên Huyền đỉnh. Ảnh: TTBTDTHTH

Ngày 23-11-2024, đúng Ngày Di sản Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận Di sản tư liệu "Những bản đúc đồng nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế và công bố hoàn thành dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa" trong Hoàng thành Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiêm ngưỡng những bản đúc đồng nổi trên Cửu đỉnh Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.