Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiếm dụng không gian công cộng để kinh doanh: Xử lý nghiêm vi phạm

Kim Vũ| 03/12/2019 07:38

(HNM) - Chiếm dụng không gian công cộng tại các hồ điều hòa, vườn hoa... làm "của riêng" để bán hàng là thực trạng tồn tại lâu trên địa bàn Hà Nội nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Dù các địa phương đã có những cố gắng xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Thực tiễn này đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh để xử lý hiệu quả hơn những vi phạm đang hiện hữu...

Người dân lấn chiếm lối đi ven hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng để bán hàng (Ảnh chụp lúc 15h30 ngày 2-12-2019).

Không gian chung thành... "của riêng"!

Khảo sát một vòng quanh đường dạo ven hồ Tây thuộc địa bàn các phường Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi, Xuân La, Nhật Tân... quận Tây Hồ trong các ngày 30-11 và 1-12, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận tình trạng chiếm dụng không gian riêng của những người bán hàng rong, bán trà đá, hàng ăn...

Chỉ riêng đoạn đường Thanh Niên ven hồ Tây, đã có khoảng 10 hàng trà đá, với hàng chục chiếc ghế nhựa bày lưu động để bán hàng. Theo quan sát, nhiều người đến vãng cảnh hồ thường chấp nhận mất tiền uống nước để "mua chỗ".

Ghi nhận tại đoạn đối diện với số nhà từ 143 đến 215 phố Vệ Hồ là những dãy xe máy đỗ san sát. Ông Nguyễn Thành Nam, ở phường Bưởi cho biết: "Chiều tối tôi đi tập thể dục qua đây đều chứng kiến cảnh xe cộ, người bán hàng vẫy khách, xe dừng đỗ vô tội vạ trên vỉa hè quanh hồ, chiếm dụng hoàn toàn lối đi của người đi bộ".

Vỉa hè sát hồ, đoạn đối diện số nhà 141, 143, 145... phố Trích Sài đã biến thành "bãi xe". Nhiều hộ bán trà đá cũng chiếm dụng khoảng trống ở vườn hoa ven hồ. Nhiều ghế đá cũng bị biến thành nơi bày cốc, chén, đồ đạc.

Anh Phạm Ánh Dương, ở phố Văn Cao chia sẻ: "Tôi thường cho con nhỏ ra khu vực vườn hoa ở phố Trích Sài chơi. Có lần tôi ngồi tạm ghế nhựa của hàng trà đá thì bị đuổi khéo ra chỗ khác vì không uống nước của họ".

Khảo sát tại hồ điều hòa, công viên, vườn hoa trên địa bàn các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng..., tình trạng nêu trên cũng phổ biến. Khu vực ven hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình), khu vực bãi cỏ và vỉa hè bao quanh hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa), hồ Ngọc Khánh, Xã Đàn... cũng bị một số hộ dân bày bàn ghế bán trà đá, biến không gian chung thành nơi kinh doanh của riêng một số người.

Thực tế, nhiều địa phương cũng đã tổ chức các đợt ra quân nhằm xử lý hoạt động lấn chiếm khu vực công cộng. Tuy nhiên, khi chiến dịch kết thúc, vi phạm lại tái diễn.

Nhìn nhận về thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) nhận định, do chế tài xử phạt hành vi vi phạm theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, với mức phạt mỗi hành vi vi phạm từ 100.000 đồng đến 3 triệu đồng/cá nhân, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi... Đây được cho là nguyên nhân khiến nhiều hộ chấp nhận nộp phạt để tồn tại.

Cần xử lý hiệu quả

Theo ông Kiều Hồng Hải, Phó Trưởng Công an phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), thông thường một cửa hàng được cấp phép kinh doanh nếu tái phạm quá 3 lần sẽ bị đề nghị tước giấy phép. Tuy nhiên, không ít cửa hàng sau một thời gian lại sang nhượng cho người khác, nên vi phạm vẫn diễn ra tại cùng một địa chỉ và mức phạt chỉ dừng lại ở 2,5 triệu đồng/trường hợp nên rất khó xử lý triệt để.

Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định, từ tháng 10-2019, quận đã yêu cầu Công an quận chỉ đạo các phường xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu triệt để đến đấy, sau đó giao công an phường, lực lượng đoàn viên thanh niên... cắm chốt từ 19h đến 22h hằng ngày... Đến nay, vi phạm tại một số phường đã giảm.

Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên vẫn còn tình trạng tái phạm. Vì vậy, Công an quận yêu cầu lực lượng chức năng quay phim, chụp ảnh các điểm vi phạm để quận tiếp tục có phương án xử lý.

Về tình hình xử lý vi phạmtrên địa bàn phường, ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã xử phạt gần 300 trường hợp lấn chiếm vỉa hè hồ Trúc Bạch để bán cà phê, hàng ăn. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng mỏng, chế tài nhẹ nên vi phạm vẫn tiếp diễn.

Theo ông Nguyễn Xuân Minh, UBND phường sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an kiểm tra, đồng thời cắm chốt tại các địa điểm thường xảy ra vi phạm, nhưng về lâu dài rất cần chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe.

Còn theo ông Vũ Đình Biên, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa), ngoài biện pháp tăng cường kiểm tra, UBND phường đã đề xuất với UBND quận lắp camera ở quanh hồ để có căn cứ xử phạt các trường hợp chiếm dụng vỉa hè...

Về vấn đề này, ông Trương Minh Quang, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, UBND quận đã giao Công an quận lắp camera tại các hồ Ba Mẫu, Đống Đa, Văn Chương trong năm 2019. Bên cạnh đó, tại các dự án về lát đá vỉa hè ở các hồ và khu vực công cộng, UBND quận yêu cầu đơn vị thiết kế, thi công tăng tỷ lệ trồng cây xanh tại những vị trí phù hợp để các hộ kinh doanh không lấn chiếm được không gian chung...

Lợi ích lớn nhất mà các không gian công cộng mang lại cho người dân là có nơi để tập thể dục, thể thao, hưởng không khí trong lành. Do đó, điều cần thiết là phải trả lại các không gian này về đúng công năng, mục đích sử dụng. Đề nghị, các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường xử lý và gắn trách nhiệm với chính quyền các phường sở tại để vi phạm phải được xử lý dứt điểm, tránh tình trạng việc xử lý còn thiếu hiệu quả như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiếm dụng không gian công cộng để kinh doanh: Xử lý nghiêm vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.