Theo dõi Báo Hànộimới trên

‘’Chìa khóa’’ phát triển nông nghiệp bền vững

Thế Văn| 09/02/2023 06:06

(HNM) - Nghị quyết số 36-NQ/TƯ (ngày 30-1-2023) của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới nêu rõ: Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm…

Công nghệ sinh học luôn được xem là định hướng ưu tiên phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, nhiều đề án, chương trình nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai; nhiều kỹ thuật tiên tiến như cấy mô, sinh học phân tử, di truyền… được áp dụng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, mở hướng phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân, công nghệ sinh học còn góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, đem lại sự ổn định, bền vững cho ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Có thể nói, nông nghiệp nước nhà đã có những thay đổi đáng kể từ khi ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì thấy: Công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học của Việt Nam còn một khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập… Do vậy, nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học còn có nhiều khó khăn, thách thức cần sớm khắc phục.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, nhà sản xuất về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, coi đó là “chìa khóa” mở cánh cửa phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Từ nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ mới, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, mở rộng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học như nuôi cấy mô tế bào, công nghệ sinh học phân tử; sử dụng chế phẩm sinh học… Qua đó, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa làm cơ sở để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm; bảo hộ giống; xây dựng thương hiệu…; đồng thời tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, có hiệu quả kinh tế cao và tiết giảm chi phí sản xuất.

Giải pháp có ý nghĩa nền tảng đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu công nghệ sinh học; đồng thời triển khai các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này, qua đó nâng cao năng lực ứng dụng, phát triển các kỹ thuật công nghệ sinh học tiên tiến, đáp ứng mục tiêu đổi mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng như cải thiện môi trường sinh thái… Đây là cơ sở để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, là “chìa khóa” phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
‘’Chìa khóa’’ phát triển nông nghiệp bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.