Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ tuyên truyền, giáo dục là chưa đủ

Hoàng Thu Vân| 11/09/2013 05:32

(HNM) - Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập chính thức có hiệu lực từ ngày 5-9-2013. Văn bản này được coi là một bước tiến quan trọng trong "cuộc chiến" chống lại quốc nạn tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân.


Cụ thể có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm tất cả công chức giữ các chức vụ quản lý từ phó trưởng phòng trở lên và các công chức làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực... Như vậy là đã giảm bớt một số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập so với trước đây.

Yêu cầu minh bạch tài sản, thu nhập của đội ngũ công bộc là rất cần thiết để phòng ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng nảy sinh. Song nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đa số mới chỉ kê khai cho có, thực hiện mang tính hình thức. Đặc biệt, khi chưa có cơ chế xác minh thì cán bộ, công chức sẽ có rất nhiều cách để "giải thích" một cách hợp lý khối tài sản của mình. Mặt khác, nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không gương mẫu thì việc thực hiện rất có thể rơi vào tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm soát, giám sát và phân công trách nhiệm cụ thể…

Nhằm khắc phục những vấn đề nêu trên, Nghị định 78/2013/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới. Trước hết là việc bổ sung và làm rõ hơn các nguyên tắc xác định giá trị tài sản, thu nhập. Các nguyên tắc này sẽ giúp người có nghĩa vụ xác định tài sản và biến động tài sản kê khai một cách rõ ràng. Cùng với đó, căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân đã được mở rộng hơn. Cụ thể là việc cho phép người có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản nếu có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm soát cũng có thể yêu cầu xác minh nếu trong quá trình làm việc xác định người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng chứ không phải chờ đến khi kết luận người đó có hành vi tham nhũng mới tiến hành xác minh. Đồng thời, việc xác minh có thể được tiến hành khi xét thấy cần thêm thông tin phục vụ việc bầu cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bổ nhiệm hay kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức: Niêm yết tại trụ sở cơ quan (thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục) hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hằng năm (số lượng người dự tối thiểu là 70% số người thuộc phạm vi phải triệu tập).

Theo nghị định này, nghiêm cấm các hành vi kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực, không đầy đủ hoặc tẩu tán tài sản, che giấu thu nhập. Những yếu tố phòng ngừa việc lợi dụng, sử dụng bản kê khai tài sản cho những mục đích cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; các hành vi cố ý làm sai lệch nội dung hồ sơ, kết quả xác minh; tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được phép… cũng được đề cập trong nghị định.

Tất nhiên dư luận xã hội vẫn còn băn khoăn về hiệu quả và tính khả thi của một số vấn đề được nêu trong nghị định. Song có thể thấy yêu cầu gấp rút triển khai nghị định là hết sức cần thiết. Trong quá trình đó, đâu là những lỗ hổng, bất cập chúng ta có thể tiếp tục sửa đổi hoặc điều chỉnh trong Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện? Việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nhấn mạnh vào sự liêm khiết và tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức. Cùng với đó phải có những quy định chặt chẽ về pháp luật cùng hệ thống chế tài đủ mạnh để điều chỉnh các hành vi vi phạm trong xã hội; nâng cao tính minh bạch của hệ thống quản lý; kiểm soát và loại trừ những yếu tố, tình huống có khả năng tạo cơ hội cho cán bộ, công chức sai phạm; đồng thời phải phân công trách nhiệm cụ thể trong việc giám sát, tổ chức thực hiện.

Đây chính là hai mặt của vấn đề xây và chống nạn tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ tuyên truyền, giáo dục là chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.