(HNMO) - Nhờ sản lượng sản xuất và hoạt động mua hàng gia tăng mạnh trong tháng 1/2014, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng cao nhất kể từ tháng 4/2011.
Ảnh minh họa |
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) và công ty Markit Economics vừa công bố PMI ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 1/2014.
Theo kết quả được công bố, tháng 1/2014, chỉ số PMI đã có tháng thứ 2 liên tiếp tăng, đạt 52,1 điểm so với 51,8 điểm trong tháng 12/2013. Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong suốt 5 tháng và là mức cải thiện cao thứ nhì trong lịch sử khảo sát, chỉ kém mức kỳ lục được ghi nhận trong tháng 4/2011.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng cũng đạt mức cao thứ nhì trong lịch sử khảo sát. Sản lượng tăng suốt bốn tháng vì số lượng đơn đặt hàng mới tăng và lượng công việc tồn đọng đã được hoàn thành theo ghi nhận của những người trả lời khảo sát.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ 4 trong vòng 5 tháng qua, với một tốc độ nhanh và chỉ thay đổi một chút so với tốc độ của tháng 12. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu của khách hàng đã tăng lên. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng trong tháng 1, từ đó kết thúc chuỗi giảm kéo dài hai tháng. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm mạnh trong ba tháng liên tiếp.
Cũng qua khảo sát cho thấy, hoạt động giao hàng hoá cho khách hàng đã làm giảm đáng kể tồn kho hàng hóa sau sản xuất tại các công ty sản xuất của Việt Nam. Tốc độ giảm hàng tồn kho là nhanh nhất kể từ tháng 2/2013.
Nhu cầu cao về sản xuất đã khiến các công ty phải tuyển dụng thêm trong tháng 1. Việc làm đã tăng trong suốt 6 tháng qua. Tốc độ tăng việc làm đã chậm lại so với tháng 12 nhưng vẫn ở mức cao.
Giá cả đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 1 với tốc độ tăng chi phí chỉ thay đổi một chút so với cuối năm 2013. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết, các nhà cung cấp đã tăng giá bán. Việc tăng chi phí đầu vào đã làm cho các nhà sản xuất phải tăng giá đầu ra trong tháng. Giá cả đầu ra đã tăng lần thứ ba trong bốn tháng qua, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ.
Dữ liệu của tháng 1 cho thấy, mức tăng kỷ lục của hoạt động mua hàng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, với hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng với tốc độ đáng kể trong tháng. Số liệu thống kê không đầy đủ cho thấy việc tăng số lượng đơn đặt hàng mới và tăng nhu cầu sản xuất đã làm tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào. Mặc dù hoạt động mua hàng tăng, hàng tồn kho tiền sản xuất đã giảm khi hàng hóa đầu vào đã được sử dụng để tăng sản lượng.
Nhu cầu hàng hóa đầu vào gia tăng đã gây áp lực cho các nhà cung cấp, từ đó thời gian giao hàng đã bị kéo dài lần đầu tiên trong 4 tháng. Tuy nhiên, mức độ giảm sút hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ là nhỏ.
Như vậy, sự bật dậy đáng chú ý của lĩnh vực sản xuất phản ánh nhu cầu đã mạnh lên cả ở trong nước và nước ngoài. Việc làm tiếp tục tăng cho thấy các nhà sản xuất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực này.
HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ có một năm tăng mạnh nữa ở Việt Nam, nâng tỷ lệ tăng trưởng lên 5,6%. Ngân hàng này cũng nhận định, với mức tăng giá đầu vào ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng chưa thay đổi lãi suất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.