(HNMO)-Ngày 10/1, Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam (WVB FISL) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí (PVFC Invest) đã công bố kết quả cuộc khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh WVB-PVFC Invest cho quý IV/2010.
Cuộc khảo sát được tiến hành hàng quý do hai công ty WVB Việt Nam và PVFC Invest phối hợp tổ chức. Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên. Cuộc khảo sát lần này kéo dài từ ngày 15/12 đến đầu tháng 1/2010 đã thu hút được sự tham dự của 233 doanh nghiệp thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam. Hơn 75% trong số đó là các doanh nghiệp đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các vấn đề được khảo sát là tình hình kinh tế chung của Việt Nam hiện nay; dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo; kế hoạch sử dụng nhân viên; kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định; niềm tin vào sự tăng trưởng doanh thu; niềm tin vào sự tăng trưởng lợi nhuận.
Kết quả cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh quý IV/2010 giảm 11 điểm so với quý III/2010 và tăng 26 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào quý III/2008. Đây là lần giảm điểm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này được tiến hành khảo sát.
Trong cuộc khảo sát lần này, nhóm khảo sát doanh nghiệp của WVB FISL và PVFC Invest cũng tìm hiểu ý kiến của các doanh nghiệp đối với tác động của các vấn đề kinh tế nóng bỏng đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV/2010. Đó là: Tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN đối với việc kiềm chế lạm phát thông qua việc tăng lãi suất cơ bản lên 9% từ tháng 11/2010; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2010; Dòng tiền trên thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi các biến động của các yếu tố nào; Các yếu tố nào có thể giới hạn khả năng sản xuất của doanh nghiệp trong năm tiếp theo; Thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2010 có tăng lên.
Kết quả điều tra cho thấy, 94,85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng việc tăng lãi suất cơ bản lên 9% sẽ có tác động tích cực trong ngắn hạn và trung hạn đối với việc kiềm chế lạm phát. Trên 69% doanh nghiệp cho rằng chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 vượt trên hai con số. Trên 41% doanh nghiệp cho rằng dòng tiền trên thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi sự cộng hưởng của các yếu tố như thị trường vàng, thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ thắt chặt và tỷ lệ lạm phát năm 2010 vượt trên hai con số. Gần 20% khẳng định biến động không lường trước được của thị trường vàng là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất.
Đặc biệt, 69,10% doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ lạm phát năm 2010 của Việt Nam sẽ ở ngưỡng hai con số, và gần 60% cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định chiến lược kinh doanh của họ trong năm 2011. Bên cạnh đó các yếu tố như đơn đặt hàng, tài chính, chi phí đầu vào cũng như nguồn nhân lực vẫn là các vấn đề mà doanh nghiệp lo lắng. Chỉ có trên 48% doanh nghiệp lạc quan tin rằng thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2010 đã cao hơn so với năm 2009.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.