Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2021 tăng 1,52%: Chủ động kiểm soát lạm phát

Sơn - Hương| 27/03/2021 06:07

(HNM) - Năm 2021, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Trong bối cảnh CPI tháng 2-2021 tăng cao, giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu trên thị trường thế giới biến động khiến lo ngại áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, phân tích đầy đủ và kịp thời để chủ động kiểm soát lạm phát trong giới hạn, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Giá xăng, dầu tháng 2-2021 tăng 3,28% so với tháng 1-2021 đã làm Chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 0,12%. Ảnh: TTXVN

Những yếu tố gây áp lực lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng 1-2021, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây. Lý giải nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu tháng 2-2021 tăng 3,28% so với tháng 1, làm CPI chung tăng 0,12%. Ngoài ra, chương trình giảm giá điện hỗ trợ khách hàng cũng kết thúc, trong khi giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ giao thông… tăng, do đây là dịp Tết Nguyên đán.  

Tuy vậy, phân tích sâu hơn cho thấy, mặc dù CPI tháng 2-2021 tăng cao so với tháng trước, song bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2020. Áp lực giá cả trong hai tháng đầu năm ngoái là lớn hơn so với hai tháng đầu năm nay. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2021 tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, CPI tháng 2-2021 tăng mạnh nhưng chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, vị chuyên gia này dự báo, CPI tháng 3-2021 sẽ tiếp tục tăng. Chưa hết, từ nay đến cuối năm 2021, xuất hiện một số yếu tố có thể gây áp lực lên lạm phát. Đó là, khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi sau khi một số nước đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, hy vọng có thể khống chế được dịch bệnh. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng lên sẽ đẩy mặt bằng giá đi lên. Thêm nữa, thời gian qua, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhiều nước đã triển khai các gói tài chính lớn. Vì vậy, lạm phát trên toàn cầu dự báo sẽ tăng.

“Trong nước, các doanh nghiệp đã thích ứng với trạng thái bình thường mới, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Khi hoạt động kinh tế, sản xuất từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng theo, người dân cũng chi tiêu nhiều hơn. Cùng với đó, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới CPI”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn xăng, dầu phục vụ nhu cầu trong nước. Vì vậy, giá dầu thế giới tăng sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước, kéo theo sự biến động về giá của các mặt hàng khác. Cùng với đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 và 2021 cũng có tác động nhất định đến chỉ số lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng 1-2021 do giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ giao thông tăng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Tập trung vào những giải pháp đồng bộ

Với những diễn biến và dự báo trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh lưu ý, không thể chủ quan, lơ là trong kiểm soát lạm phát. Cơ quan quản lý cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cả, lãi suất, tỷ giá, ưu tiên bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức thấp. Cùng với đó là điều hành linh hoạt giá cả một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý, xem xét chỉ tăng giá vào thời điểm thích hợp nhằm giữ ổn định thị trường.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho rằng, công tác điều hành giá cần thận trọng, linh hoạt và chủ động, có sự phối hợp hài hòa giữa các biện pháp kiểm soát lạm phát, chia sẻ các yếu tố có thể can thiệp như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông để bảo đảm quan hệ cung - cầu trong nước; tăng cường quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng; sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách hợp lý.

Về phía cơ quan quản lý, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đơn vị đã xây dựng kịch bản điều hành giá trong năm 2021 bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, việc thông tin tuyên truyền cũng rất quan trọng, một mặt công khai minh bạch về giá, mặt khác tạo sự đồng thuận trong xã hội, ngăn chặn thông tin thất thiệt gây hoang mang... Cục Quản lý giá cũng cho hay, sẽ theo sát diễn biến thị trường, chủ động phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý.

Còn Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thị trường tài chính - tiền tệ linh hoạt, vừa cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vừa bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt và kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ trong những năm vừa qua, mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2021 tăng khoảng 4% do Quốc hội đề ra hoàn toàn có thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2021 tăng 1,52%: Chủ động kiểm soát lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.