Mặc dù tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế, đầu tư được ghi nhận đạt kết quả khá sáng sủa trong 5 tháng đầu năm 2024 song kinh tế nước ta vẫn đối diện với một số thách thức không nhỏ. Trong đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang trong xu thế gia tăng mạnh, đòi hỏi sự vào cuộc một cách chủ động, nâng cao hiệu quả điều hành để khống chế đà tăng giá, giữ lạm phát ở mức 4-4,5% trong năm 2024 như mục tiêu đề ra, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Xu hướng CPI tăng qua từng tháng
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023 và đã xuất hiện xu hướng tăng qua từng tháng. Đây là mức tăng khá cao và có ý nghĩa cảnh báo sớm đối với việc chủ động kiểm soát tình hình, nhận diện các yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, mức tăng bình quân CPI đã cao hơn mức cận dưới của mục tiêu kiểm soát lạm phát là 4-4,5% của năm 2024.
Thực tế, một số yếu tố đầu vào có thể tác động, kích đẩy CPI tăng lên. Đó là, biến động về nguồn cung hàng hóa, nguyên liệu; nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè; việc đi lại, vận chuyển hành khách gia tăng trong bối cảnh giá xăng, dầu nhập khẩu khó đoán định; giá thịt lợn hơi đã lên mức đỉnh của 2 năm gần đây. Thêm vào đó, dự kiến việc điều chỉnh giá điện, học phí, dịch vụ y tế và cải cách tiền lương kết hợp với diễn biến phức tạp của giá cả thế giới sẽ tạo ra ảnh hưởng bất lợi, hình thành nguyên nhân đẩy lạm phát tăng lên. Như vậy, lạm phát đã trở thành vấn đề, tạo áp lực ngày càng lớn đối với mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Ở chiều ngược lại, ngay trong tháng 6-2024, dự kiến chính sách gia hạn thời hạn nộp, giảm một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kích thích tiêu dùng… sẽ được áp dụng. Đây là động thái mạnh, rất thiết thực, sẽ tiết giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Hạ chi phí đầu vào đồng nghĩa với kìm hãm đà tăng giá của hàng loạt hàng hóa, dịch vụ và chắc chắn góp phần kiềm chế lạm phát trên diện rộng.
Vào cuộc quyết liệt để kiểm soát lạm phát
Lo ngại về khả năng lạm phát tiếp tục xu hướng gia tăng trong những tháng sắp tới đã đặt ra yêu cầu quan tâm và tìm các giải pháp kìm hãm đà tăng giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, để kiểm soát lạm phát, Chính phủ và các địa phương cần bảo đảm đầy đủ nguồn cung với giá cả ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm; cùng với đó là bảo đảm an ninh năng lượng, điều chỉnh giá điện, giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, giảm tác động tiêu cực đến mức sống của người dân. Cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi tình hình, kịp thời khắc phục những yếu tố bất lợi tiềm ẩn để làm tốt điều hành, không tái diễn thiếu điện, mất điện cục bộ. "Đặc biệt, Chính phủ nên thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên, vật liệu nhập khẩu", ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị.
Việc chuyển hướng điều hành, quyết tâm kiểm soát, kéo giá vàng trong nước phù hợp với giá thế giới, tránh sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô cũng là động thái đáng chú ý. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để cung ứng trực tiếp đến người dân, đồng thời thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trên thị trường đã nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Liên quan đến yêu cầu bảo đảm nguồn thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng, các chuyên gia gợi ý về việc đẩy mạnh tái đàn lợn, làm tốt công tác thú y bên cạnh việc nhập khẩu thịt lợn bù đắp nguồn cung nhằm chặn đà tăng giá. Đây là việc đáng lưu ý bởi nhóm hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng cao và ảnh hưởng lớn đến CPI hằng tháng.
Nhằm bảo đảm nguồn cung và giữ ổn định giá xăng, dầu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan cũng cần tăng cường hiệu quả công tác dự báo, đánh giá tình hình để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu đúng thời điểm, qua đó chủ động về giá, giúp giảm thiểu chi phí, cũng là đầu vào để giữ ổn định giá bán đến người tiêu dùng. Đồng thời, năng lực sản xuất, khai thác trong nước cần được nâng tối đa, kết hợp với phương án dự trữ hợp lý nhằm tránh tình trạng bị động do thiếu xăng, dầu đột xuất.
Ở cấp độ địa phương, lực lượng chức năng đang theo dõi, kiểm tra, tăng hiệu quả quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý hành vi đầu cơ, tạo khan hàng giả để tăng giá, trục lợi nhất là hàng thiết yếu phục vụ dân sinh cũng như nguyên liệu sản xuất.
Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát của Việt Nam năm 2024 có thể “rơi” vào mức 4-4,5% nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực bảo đảm cân đối cung - cầu, kết hợp ứng phó với sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và bất ổn thị trường do xung đột quốc tế.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) Lê Huy Khôi:
Cần giải pháp căn cơ
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải có các giải pháp hết sức căn cơ, hiệu quả. Một là, bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và quản lý giá. Hai là, theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Ba là, tiếp tục rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí và có chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bốn là, chính sách tiền tệ cần tiếp tục linh hoạt để thích ứng với các tác động của bất ổn trên thế giới. Năm là, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước trước bối cảnh cải cách chính sách tiền lương, để có thể kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành. Sáu là, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro khó đoán định, cần tăng cường dự báo thị trường hàng hóa thế giới, đặc biệt giá cả nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh... để kịp thời có những giải pháp điều hành phù hợp.
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ VSD Việt Nam Nguyễn Quang Tuấn:
Kiềm chế lạm phát là vấn đề quan trọng hàng đầu
Kiềm chế lạm phát luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong điều hành vĩ mô, xét cả ở tầm quốc gia và địa phương. Vấn đề này cũng gắn liền với đời sống dân sinh, ổn định xã hội. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước mặc dù sức mua và tiêu dùng xã hội không hẳn tăng mạnh, cho thấy lạm phát đã trở thành vấn đề đáng lưu ý, tiềm ẩn yếu tố khó lường. Do đó, cơ quan chức năng cần cân nhắc thời điểm tăng giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quyết định, để tránh tác động tiêu cực đến mục tiêu ổn định giá tiêu dùng, bảo đảm đời sống dân sinh, phục hồi sản xuất.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần được hỗ trợ thực chất, hiệu quả về vốn, thuế, mặt bằng sản xuất, cũng như cải cách hành chính; ngoài ra, bảo đảm chuỗi cung ứng, duy trì thông suốt cung - cầu nội địa. Doanh nghiệp cũng cần được tư vấn, tìm thị trường nhập khẩu hàng hóa có giá bán hợp lý, đúng chất lượng, bên cạnh việc gia tăng sử dụng hàng trong nước nhằm góp phần kiềm chế lạm phát như mục tiêu đề ra...
Bà Đinh Thúy Lan, ngõ 86, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên):
Rất mong thời giá ổn định
Mỗi người dân, mỗi gia đình đều mong muốn thời giá trên thị trường luôn giữ được sự ổn định và rất ái ngại khi giá tăng liên tục hoặc tăng đột biến. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm hàng thực phẩm, bởi đó là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tiếp đến là nhóm hàng xăng, dầu bởi nhóm hàng này phụ thuộc vào giá thế giới, trong nước chưa tự chủ hoàn toàn. Qua truyền thông, chúng tôi được biết cơ quan chức năng đang theo dõi sát diễn biến giá nhiên liệu thế giới để tìm cách ứng phó hợp lý.
Tâm lý người dân cũng có chút lo giá hàng hóa sẽ tăng theo lương trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, sau mỗi lần tăng lương, hàng hóa đều tăng giá theo. Ngoài ra, nhu cầu đi lại, du lịch cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong khi chi phí vận tải tăng nên rất cần có sự điều hành linh hoạt của cơ quan quản lý kết hợp với sự chủ động bảo đảm cung ứng chỗ, hạn chế việc tăng giá vé…
Hồng Sơn - Thanh Hiền ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.