Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ rõ bất cập để có giải pháp đúng

Tiến Thành| 04/10/2017 07:00

(HNM) - Thời gian qua, tại TP Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố phải nhận rõ những bất cập để có được giải pháp đúng, nhằm kiềm chế sự gia tăng cháy, nổ trên địa bàn.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội diễn tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.



Dự báo những diễn biến khó lường

9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 626 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về người, 9 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 128 vụ cháy trung bình, 462 vụ cháy nhỏ, 20 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đã làm 18 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỷ đồng và 55ha rừng. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 4 vụ cháy, tăng 14 người chết, giảm 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng hơn 300 tỷ đồng. Cùng thời gian này, thành phố đã xảy ra 3 vụ nổ làm 3 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 400 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 1 vụ nổ, tăng 3 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 350 triệu đồng.

Những con số trên cho thấy, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố cho biết, TP Hà Nội hiện có 60 công trình cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng hiện chưa khắc phục xong những tồn tại. Đồng thời, gần 500 nghìn nhà ống, trong đó có trên 120 nghìn nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, chứa nhiều chất cháy, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Bên cạnh đó, thành phố có 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 86 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Nếu để xảy ra cháy kho, xưởng sản xuất tại khu vực nội thành sẽ gây thiệt hại lớn do đa số các cơ sở này đều nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Nguy cơ cháy, nổ cao, tuy nhiên người dân, người đứng đầu cơ sở vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cuộc kiểm tra của lực lượng chức năng tại cơ sở cho thấy, việc đầu tư cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thường chỉ mang tính đối phó. Ngoài ra, việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng chưa bảo đảm yêu cầu thực tế, hoạt động mang tính hình thức...

Chú trọng xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy

Giải pháp khắc phục những tồn tại đặt ra hiện nay được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố xác định là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch trọng tâm mà Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đề ra, nhằm kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ. Trong đó chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa, kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố xảy ra cùng với nâng cao chất lượng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy với phương châm “4 tại chỗ”.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã tham mưu với UBND thành phố về chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đúng quy chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó ưu tiên trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm... tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2017, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các chuyên đề: Nhà cao tầng, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi… Bên cạnh đó, sẽ thực hiện nghiêm ngặt quy trình cấp biên bản kiểm tra điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, kiến nghị đình chỉ ngay hoạt động các cơ sở chưa bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đang triển khai thành lập 8 đơn vị “Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp trung tâm” trên cơ sở lực lượng sẵn có, được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và đầu tư trang thiết bị đồng bộ, tiến tới phát triển mô hình này tới 24 đơn vị trực thuộc. Các đơn vị này ngoài thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý sẽ là lực lượng cơ động chi viện cho các địa bàn khác, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố xảy ra.

Với đặc thù của một đô thị lớn, mật độ dân số tập trung ở khu vực nội đô cao, để kiềm chế sự gia tăng của cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô, rất cần sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và tất cả các tầng lớp nhân dân. Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy 4-10 năm nay là dịp để tất cả cùng nhìn lại, đánh giá đúng chất lượng công tác này, từ đó khắc phục ngay những tồn tại đang đặt ra với mục tiêu vì sự an toàn tính mạng, tài sản của mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ rõ bất cập để có giải pháp đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.