(HNM) - Trong số 12 phim truyện điện ảnh dự Cánh diều 2011 (sẽ trao giải vào đêm 17-3 tới) có tới 10 phim là của các hãng phim tư nhân - một chi tiết thu hút sự quan tâm của báo giới cũng như nhiều người trong nghề.
Đứng về mặt số lượng, rõ ràng phim của các đơn vị tư nhân chiếm tỉ lệ lớn so với các đại diện của hãng phim nhà nước. Điều đó cũng phản ánh phần nào không khí của điện ảnh mươi năm trở lại đây. Một không khí mà sự sôi động nghiêng về phía những nhà làm phim ngoài "quốc doanh". Có ý kiến cho rằng phim tư nhân đang áp đảo phim nhà nước và phim giải trí hời hợt đang kéo lùi thẩm mỹ người xem…!?
Thực tế, tuy số lượng áp đảo nhưng chất lượng giữa các phim tư nhân tham dự Cánh diều 2011 cũng có khoảng cách khá xa. "Hello cô Ba" bị báo chí phê bình vì lối chọc cười bình dân, tưởng là thứ chỉ giải trí để làm lợi cho nhà đầu tư, nhưng cũng góp mặt trong một giải thưởng của Hội nghề nghiệp. Trong khi đó "Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" cho dù không hẳn nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của báo giới, nhưng đã được Ban giám khảo của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 ghi nhận bằng giải Bông sen Bạc, cùng một loạt giải cá nhân khác.
Vậy thì, câu chuyện chung ở đây là chất lượng chứ không phải là nguồn đầu tư, kể cả khi nguồn đầu tư ấy có chi phối ít nhiều đến nội dung tác phẩm. Trong một diễn đàn về điện ảnh mới đây, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng cho rằng, sân chơi của điện ảnh là bình đẳng. Và Hội nghề nghiệp nên ủng hộ, hỗ trợ các công ty tư nhân trong việc tập hợp lực lượng, tổ chức trại sáng tác tìm kiếm kịch bản hay. Bởi lẽ, giúp họ còn là chung tay vì sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam.
Một vấn đề khác, để đánh giá đúng chất lượng tác phẩm, không cách nào hơn là các nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp phải vào cuộc. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn từng nói: Hãy tổ chức các cuộc hội thảo về những bộ phim điện ảnh cụ thể đi! Một tạp chí về điện ảnh từng có ý định lập chuyên mục phê bình phim (và nhấn mạnh không phê bình tác giả)… nhưng rồi cũng không thành. Phê bình trên báo chí thì không ít lần "bị" các nhà phê bình chuyên nghiệp… phê bình lại. Rõ ràng, khi những ngòi bút có nghề không lên tiếng, sự chen lấn giữa cái dở và cái hay… sẽ thành bình thường. Nhất là khi không lấy cái hay, cái mới, cái sáng tạo làm tiêu chí định giá trị tác phẩm thì sẽ còn phải loay hoay với việc phân định bằng… nguồn đầu tư tài chính hay lực lượng làm phim như phim nhà nước, phim tư nhân, phim Việt kiều, phim độc lập…
Lại nhớ đến làn sóng phim “mì ăn liền” những năm 1990. Ồn ào đấy rồi cũng qua đi. Cái gì không phải là điện ảnh thì cũng đã không thể ở lại…Vấn đề cốt lõi vẫn là tạo điều kiện để các nghệ sĩ và tác phẩm của họ bình đẳng đi trên một con đường được định giá trị bằng một chữ "hay"!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.