(HNM) - Sáng 22-2, tại cuộc họp với các đơn vị vận tải, Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong thời gian qua, giá xăng, dầu giảm mạnh nhưng việc điều chỉnh giá cước vận tải bằng ô tô chưa phù hợp, đặc biệt là loại hình vận tải bằng taxi.
Thử hỏi làm sao dư luận không bức xúc khi giá xăng A92 hiện là mức thấp kỷ lục trong 7 năm qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016, xăng đã có 4 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm là 2.700 đồng/lít. Thế nhưng tới thời điểm này, như thông tin do Bộ GT-VT cung cấp, cả nước mới chỉ có 1/4 tuyến cố định thực hiện việc giảm giá cước vận tải (978/4.000 tuyến); 1/3 hãng taxi giảm giá cước (363/1.000 hãng)... Tóm lại là vẫn chuyện xăng tăng giá thì giá cước vận tải nhanh chóng tăng theo, còn xăng giảm giá thì giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt.
Vì sao như vậy?
Điều dễ nhận thấy đầu tiên là vì lợi ích. Dù chưa có con số thống kê việc chưa thực hiện giảm giá cước, các doanh nghiệp vận tải sẽ thu thêm khoản chênh lệch là bao nhiêu, nhưng chắc chắn con số đó là không nhỏ. Lấy ví dụ, năm 2009 giá xăng ở mức 15.200 đồng/lít, cước taxi khoảng 9.000 đồng/km; nay giá xăng giảm ở dưới mức 14.000 đồng/lít, nhiều doanh nghiệp vẫn tính cước taxi ở mức 11.000 đồng đến 12.000 đồng/km; mỗi cây số tiền cước đã vênh nhau từ 2.000 đến 3.000 đồng thì số tiền "ăn ra" mỗi ngày thật khủng khiếp. Rồi không chỉ là giá cước vận tải, một số mặt hàng tiêu dùng cũng nhanh chân "ăn theo", vin cớ cước vận tải không giảm dẫn đến giá cả hàng hóa chưa thể điều chỉnh. Và chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.
Nhận xét về giá cước vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu: "Tôi thấy nhục vì doanh nghiệp vận tải bị nói chây ỳ, móc túi người tiêu dùng". Có lẽ ông Thanh cũng cảm thấy bức xúc nhưng thực tế là các doanh nghiệp vận tải - đặc biệt là các hãng taxi - vẫn luôn lừng khừng như thế mỗi khi xăng dầu giảm giá, song lại rất sốt sắng, nhiệt tình và… quyết đoán tăng giá khi diễn biến thị trường theo chiều ngược lại.
Thực trạng nêu trên buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc. Cụ thể, sau đợt giảm giá xăng dầu chiều 18-2, liên bộ GT-VT - Tài chính đã có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp vận tải nhanh chóng giảm giá cước. Động thái đó là cần thiết, song dường như chưa đủ sức mạnh để điều chỉnh thái độ "tự tung tự tác" của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cái cớ mà các doanh nghiệp bao biện cho việc chưa thể điều chỉnh ngay giá cước vận tải vì thủ tục phải qua nhiều khâu như đăng ký giảm giá, sau khi được chấp thuận thì phải in lại toàn bộ giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định…
Tóm lại, nếu có thực hiện nghiêm túc, tối thiểu cũng phải mất 10 ngày. Còn một chuyện nữa, không chỉ mất thời gian làm các thủ tục, tính ra mỗi đầu xe taxi thực hiện việc giảm giá cũng mất chừng 500.000 đồng. Thế là thiệt đơn, thiệt kép, thử hỏi tại sao mấy ông doanh nghiệp vận tải không chây ỳ, lãnh đạm với chuyện giảm giá. Chưa hết, theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ-CP, nếu DN chậm giảm giá 5 ngày so với quy định thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính từ 5 đến 8 triệu đồng. So với lợi nhuận thu được, mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Tại cuộc họp nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị các doanh nghiệp vận tải cần nhận thức việc giảm giá cước vận tải khi giá nhiên liệu giảm là trách nhiệm đồng thời cũng là văn hóa kinh doanh. Có thể xem đó là chuyện kêu gọi, tuyên truyền, vận động sự tự giác. Song chỉ vậy là chưa đủ, bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong công tác quản lý giá cước, trước hết là hoàn chỉnh dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 152 (liên bộ Tài chính - GT-VT về quản lý giá cước vận tải) để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó là điều chỉnh các thủ tục trong việc tăng giảm giá cước vận tải cùng chế tài xử lý những sai phạm. Đây cũng chính là hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.