Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ đau đớn - chưa đủ!

Thế Phương| 25/05/2011 06:15

(HNM) - Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký trên sông Sài Gòn (đoạn chảy qua Bình Dương) đã cướp đi sinh mạng của 16 nạn nhân. Một gia đình có tới 9 vòng trắng khăn tang, một cậu bé mất cả cha mẹ cùng em gái… Những nỗi đau không thể nói thành lời.


Công an tỉnh Bình Dương đã quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ tài công, quản lý tàu và quản lý chung của Nhà hàng nổi Dìn Ký phục vụ điều tra. Tỉnh Bình Dương đã đình chỉ hoạt động bến du thuyền của Khu du lịch Dìn Ký. Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh quyết định tiến hành tổng kiểm tra hoạt động của các tàu nhà hàng cũng như tàu cánh ngầm trên địa bàn... Thảm họa đã xảy ra, phân tích nguyên nhân, phán xét người có lỗi… dù không thể trả lại mạng sống cho 16 nạn nhân, không thể làm vơi đi nỗi đau của các gia đình, nhưng đó là việc phải làm và phải làm đến nơi đến chốn.

Nếu như mỗi người có trách nhiệm hơn với bản thân? Nếu như chủ phương tiện tôn trọng tính mạng và sự an toàn của đồng loại? Nếu như các cơ quan chức năng làm đúng phận sự của mình?… Những câu hỏi ấy có nhiều cách trả lời, nhưng vẫn đau đáu xót xa gói gọn trong hai từ "trách nhiệm".

Cơ quan chức năng đã cảnh báo không được mở bến tàu tại nơi có luồng nước xoáy sâu hơn 20m, đồng thời đặt phao cảnh báo nguy hiểm, thậm chí, Dìn Ký cũng đã bị Thanh tra Cục Giao thông đường thủy nội địa lập biên bản vi phạm hành chính chủ cơ sở về các lỗi "neo đậu tàu tại khu vực không được cấp phép, không được neo đậu vì không an toàn" nhưng doanh nghiệp này đã bất chấp tất cả. Chưa kể thiết kế tàu mất an toàn, đã hết hạn kiểm định từ lâu. Rồi tài công không bằng lái, nhân viên phục vụ không được đào tạo các kỹ năng để có thể xử lý tình huống bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến của con người như mưa to, gió lớn… Vì sao một doanh nghiệp kinh doanh du lịch với mô hình nhà hàng du thuyền trên sông thuộc dạng khá lớn ở Bình Dương hoạt động "chui" một thời gian dài, có nhiều vấn đề như vậy mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn để tồn tại? Ai sẽ đi đến tận cùng trách nhiệm sau thảm họa này? Có thể thấy quá nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Trong thảm họa Dìn Ký cũng như nhiều vụ tai nạn khác, người thiệt mạng không phải là chủ doanh nghiệp, nhân viên và lái tàu. Điều này cho thấy các "thượng đế" hoàn toàn bị động khi rơi vào các tình huống nguy hiểm. Và sẽ không phải là nói quá nếu ai đó cho rằng trong tai họa thương tâm này, có một phần lỗi của chính nạn nhân. Có thể nói, gần như mọi người Việt Nam đều phó mặc việc kiểm tra, đánh giá an toàn và phương án xử lý sự cố khẩn cấp là việc của những nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, người ta cứ hồn nhiên giao phó tính mạng của bản thân mình cho người đã được trả tiền mà không mảy may nghĩ đến những mối hiểm nguy có thể ập đến. Rõ ràng khi mỗi người tự ý thức được trách nhiệm với sự an nguy của chính mình để buộc người cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm hơn thì chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt nguy cơ thảm họa.

Nỗi đau sẽ cạn dần cùng dòng nước mắt, nhưng trách nhiệm vẫn còn đó không chỉ đối với các ngành chức năng. Theo Tổng cục Cảnh sát giao thông đường thủy - Bộ Công an, từ năm 2006 đến 2010, cả nước xảy ra 1.094 vụ tai nạn giao thông thủy, mỗi tai nạn là một nỗi đau và cũng là một lần để suy nghĩ về hai từ "trách nhiệm". Chỉ suy nghĩ không thôi là chưa đủ và không bao giờ đủ. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, xuất phát từ một tinh thần trách nhiệm triệt để của những người trong bộ máy công quyền và những người sống và làm giàu bằng tiền dịch vụ của khách hàng, chắc chắn thảm họa chìm tàu như vụ Dìn Ký cũng như hai thảm họa chìm tàu Trường Hải (ngày 17-2) và Hải Long (8-5) trên Vịnh Hạ Long sẽ còn treo lơ lửng đâu đó trên sông nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đau đớn - chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.