Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chè kho Đại Đồng

Nguyễn Mai| 01/06/2014 06:36

(HNM) - Đến xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất thưởng thức món chè kho hết sức bình dị nấu từ đỗ xanh, đường kính...

Thứ nguyên liệu quê dân dã, qua đôi bàn tay khéo léo của người nông dân đã trở thành món quà quê chẳng thể nào quên với những người dù là lần đầu thưởng thức.

Nghề nấu chè kho tưởng chỉ dừng lại ở một nét đẹp văn hóa, thế nhưng nhiều hộ gia đình ở Đại Đồng hiện nay đã mở rộng sản xuất để làm giàu từ món quà quê này.

Đóng gói chè kho tại gia đình ông Kiều Thế Trụ.


Ông Vũ Văn Sơn, ở thôn Lươn Ngoài, năm nay 62 tuổi là người làm chè kho ngon có tiếng trong vùng. Hằng năm, mỗi dịp lễ Tết, người dân trong làng lại mang đường kính, đậu xanh đến nhà nhờ ông làm giúp. Ông Sơn cho biết, nguyên liệu làm chè kho là đậu xanh và đường kính, thêm một chút hương liệu như dầu chuối hoặc va ni, chứ không hề có thêm một thứ phụ gia nào khác. Ngày xưa khi đường kính còn hiếm, chè kho thường được làm bằng mật, nên thường sẫm màu, nay làm bằng đường kính, màu chè vàng óng, đẹp hơn, vị chè cũng thanh hơn. Theo ông Sơn, chè kho ngon phải đạt độ vàng sánh mịn, thật khô, ngọt đậm, thơm…

Nói đơn giản thế, nhưng làm được như vậy không hề đơn giản. Đỗ xanh sau khi ngâm nước cho nở được đãi sạch vỏ, đồ chín, rồi đánh tơi, sau đó cho vào nước đường khuấy đến khi chè quánh lại, đổ ra khay để nguội cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Khi nấu chè, phải quấy đều tay, nếu không chè không mịn, không ngon và còn bị khê. Đây cũng là công đoạn mất sức nhất, đòi hỏi người đánh chè phải có đôi tay khỏe và dẻo dai. Ngoài kỹ thuật nấu chè, nguyên liệu cũng góp phần quan trọng để có món ngon. "Hiện trên thị trường có bán sẵn nhiều loại đậu xanh xát vỏ dùng rất thuận tiện, song gia đình tôi vẫn "trung thành" với việc mua đậu hạt về tự xay vỡ, đãi sạch. Làm vậy, hạt đậu còn nguyên giá trị dinh dưỡng và mùi thơm rất đặc trưng" - ông Sơn cho biết thêm.

Ở Đại Đồng, người ta thường làm chè kho khi có khách đặt như cỗ cưới, quà biếu, dịp hội hè, lễ Tết, chứ không có hàng làm sẵn. Khách hàng của gia đình ông Sơn thường là những khách ăn quen ở khu vực Ba Vì, Sơn Tây xuống đặt vài chục kilôgam về ăn dần hay những người dân trong xã đặt hàng làm quà biếu khi có việc đi xa. "Cuối tháng 5 vừa qua, gia đình tôi đã làm một mẻ chè kho đặc biệt theo đặt hàng của một vị khách. Nghe vị đó nói số chè 150kg này sẽ được vận chuyển sang Nhật Bản" - ông Sơn cho biết.

Ở Đại Đồng, đã có những gia đình giàu lên nhờ nghề làm chè kho. Theo sự chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Kế, chúng tôi tìm đến nhà ông Kiều Thế Trụ và bà Vũ Thị Quý. Trong bếp đồ dùng để nấu chè được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp, ông Trụ khoe: "Vợ chồng tôi đã 15 năm sống bằng cái nghề này, nuôi 2 con học đại học, rồi làm ngôi nhà khang trang kia, tất cả đều nhờ nghề chè kho đấy". Với ông Trụ, muốn chè ngon thì đậu phải chuẩn, đường phải trắng, nồi nấu phải dày, phẳng và thật sạch. Quấy chè thì không được sốt ruột để to lửa mà cứ liu riu, dùng đũa đảo đều khoảng một tiếng đồng hồ thì xong một mẻ. Khi nấu chè, việc đánh nát đậu cần đôi tay khỏe, đánh nhanh và đều. Khi nấu không để cháy vì nếu chè bị bén, sẽ làm cả nồi mất hương. Những lúc đông khách đặt hàng, gia đình đã phải thuê thêm 15 lao động để làm 5 tạ chè kho/ngày.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Nguyễn Hữu Kế cho biết, cả xã có 2.100 hộ dân, sinh sống ở 11 cụm dân cư. Người dân Đại Đồng có truyền thống ăn chè kho trong mỗi dịp Tết, lễ hội, khao thọ, cưới hỏi…, do vậy mà gần như hộ nào cũng biết làm chè kho, phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng chỉ có 7 hộ chuyên làm chè kho, phục vụ nhu cầu thị trường. Gần đây, người dân Đại Đồng đã đầu tư máy móc vào hỗ trợ sản xuất theo quy mô lớn như mô tơ đánh đậu, đôi bàn tay đã được "giải phóng" phần nào. Vào dịp Tết Nguyên đán, một hộ có thể làm 1 đến 2 tấn chè kho. Ngoài làm nghề này, người dân Đại Đồng còn khéo léo làm nhiều loại quà quê khác như kẹo lạc, bánh giầy, bánh đúc, bánh tẻ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chè kho Đại Đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.