(HNM) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1 trong số 10 viên thuốc được bán tại các nước đang phát triển là hàng giả hoặc kém chất lượng.
Tình trạng thuốc giả tràn lan khiến mỗi năm có khoảng 100.000 người tử vong tại Châu Phi - châu lục nghèo nhất thế giới. Kể từ năm 2013, WHO nhận được khoảng 700 báo cáo về các sản phẩm thuốc giả mạo và kém chất lượng tại châu lục này, từ thuốc chữa ung thư cho tới thuốc tránh thai, trong đó nhiều nhất là thuốc điều trị sốt rét và kháng sinh.
WHO chia thuốc giả thành hai loại chính: Thuốc không đạt chuẩn do lỗi sản xuất, bảo quản hoặc đã quá hạn sử dụng; thuốc được làm giả, có thể chứa các thành phần hoàn toàn khác so với thuốc thật hoặc thậm chí không có bất kỳ hoạt chất nào giúp chữa bệnh. Bằng mắt thường, ngay cả những người có kiến thức về y dược đôi khi cũng khó phân biệt thuốc thật và thuốc giả bởi công nghệ làm nhái bao bì sản phẩm ngày càng tinh vi hơn. Ngoài nguy cơ gây tử vong, tạo phản ứng phụ, khiến bệnh kéo dài không dứt hoặc làm lây lan bệnh tật, thuốc kém chất lượng cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc, làm suy giảm khả năng chữa bệnh của các loại thuốc trong tương lai.
Geoffroy Bessaud - người đứng đầu bộ phận chống thuốc giả tại Tập đoàn dược phẩm Sanofi cho biết, buôn bán thuốc giả là "ngành công nghiệp bất hợp pháp" lớn nhất thế giới và mang lại nguồn lợi béo bở cho các băng nhóm tội phạm. Một khoản đầu tư 1.000 USD có thể giúp những kẻ bán thuốc giả thu về 500.000 USD. Tổng hợp các nghiên cứu trong giai đoạn 2007-2016 của WHO, bao gồm hơn 48.000 mẫu thí nghiệm cho thấy, 10,5% số thuốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc giả hoặc không đạt chuẩn. Như vậy, với doanh thu ngành Dược phẩm ở các quốc gia này đạt khoảng gần 300 tỷ USD/năm, kinh doanh thuốc giả đem lại lợi nhuận cho bọn tội phạm khoảng 30 tỷ USD/năm. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính con số này thậm chí đã tăng gấp gần 3 lần chỉ trong vòng 5 năm qua.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Marc Gentilini cho biết, thị trường thuốc giả phát triển tại Châu Phi bởi đây là nơi có số người nghèo mắc bệnh nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Thuốc sốt rét và kháng sinh là hai loại thuốc được sử dụng nhiều nhất và nguy cơ bị làm giả, hết hạn hoặc kém chất lượng cao nhất tại châu lục này. Hiệp hội Y học nhiệt đới Mỹ ước tính, vào năm 2015, có 122.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì sử dụng thuốc sốt rét kém chất lượng tại tiểu vùng Sahara. Một số vắc xin ngừa viêm màng não được đưa ra vài năm trước sau khi dịch bệnh bùng phát tại Niger cũng là thuốc giả. Căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm tại đây.
Theo Straitstimes, khu chợ Roxy nằm tại TP Abidjan của Bờ Biển Ngà được coi là "thiên đường" thuốc giả. Khu chợ này vẫn tồn tại dù giới chức địa phương đã nhiều lần nỗ lực triệt phá. Một số dược sĩ tại Châu Phi cho biết, họ buộc phải mua thuốc của những nhà cung cấp rẻ nhất nhưng không nhất thiết phải an toàn nhất để có thể cạnh tranh với những người bán thuốc dạo bất hợp pháp. Tháng 8-2017, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã tịch thu 420 tấn thuốc giả ở Tây Phi trong một chiến dịch truy quét quy mô lớn tại 7 quốc gia là Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Nigeria và Togo. Tuy vậy, những kẻ phạm tội bị trừng trị chủ yếu bởi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm nhái sản phẩm thay vì phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm nghìn người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.