(HNM) - Trong bối cảnh đang gồng mình ứng phó với những thách thức do làn sóng dịch Covid-19 trên toàn lãnh thổ, bất ổn về an ninh từ hàng loạt các vụ tấn công khủng bố diễn ra chỉ trong vài tuần qua đã khiến châu Âu phải đối mặt với “mối đe dọa kép”. Dù vậy, các quốc gia châu Âu đã khẳng định quyết tâm đối phó với khó khăn mới.
Chuỗi tấn công mới nhất khởi đầu tại Pháp với việc thầy giáo Samuel Paty bị một kẻ khủng bố chặt đầu bên ngoài trường học tại Paris ngày 16-10. Chỉ hơn 1 tuần sau, ngay bên ngoài nhà thờ Đức Bà tại thành phố Nice (Pháp), vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng.
Thảm kịch với châu Âu chưa dừng lại, vào ngày 2-11, đến lượt thủ đô Vienna của Áo rung chuyển vì một loạt vụ xả súng do nhiều đối tượng thực hiện ở ít nhất 6 địa điểm khác nhau, khiến 2 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ việc này.
Chuỗi thảm kịch diễn ra cho thấy khủng bố đã lại trở thành vấn đề gây quan ngại ở Lục địa già. Sự đối đầu giữa ý thức hệ phương Tây và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục bộc lộ rõ nét và dường như quyết liệt hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với Mỹ, châu Âu đã trở thành “mặt trận” thứ hai của cuộc đối địch giữa phương Tây với các tổ chức khủng bố.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng, dù Covid-19 từng được xem là “rào cản” tạm thời hạn chế các hoạt động tấn công khủng bố tại châu lục này nhưng khoảng thời gian yên bình cũng không kéo dài. Những vụ tấn công xảy ra mang tới sự hoang mang trong dân chúng bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khiến sức ép về kinh tế và xã hội tại các nước châu Âu càng nặng nề.
Những gì diễn ra cũng bộc lộ thực trạng dù các đường bay đang tê liệt, lệnh phong tỏa được áp dụng rộng rãi vì dịch bệnh, châu Âu dường như vẫn có những lỗ hổng an ninh để những phần tử có tư tưởng cực đoan tìm được “kênh” tiếp cận. Vụ tấn công mới nhất ở Pháp là một minh chứng khi thủ phạm được xác định là Brahim Aouissaoui, một công dân Tunisia mới chỉ đến Pháp vào đầu tháng 10 vừa qua theo con đường bất hợp pháp. Trước đó, việc 9 người Syria, 1 người Ai Cập và 1 người Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều liên quan đến IS hoặc các nhóm liên kết với tổ chức Al-Qaeda, bị bắt giữ ở Cyprus cho thấy những kẻ cực đoan vẫn có thể sử dụng các tuyến đường di cư không chính thống để xâm nhập châu Âu.
Song, ở chiều ngược lại, nhiều nhà phân tích cho rằng, các vụ khủng bố vừa diễn ra là sự phản ánh những bất cập còn tồn tại trong quan điểm về đạo Hồi, người theo đạo Hồi cũng như đối với người tị nạn và nhập cư đến từ các quốc gia Hồi giáo tại châu Âu.
Những mâu thuẫn, sự phân biệt đối xử, việc thiếu những chính sách hướng nghiệp, tạo việc làm cho các thanh niên nhập cư trẻ tuổi… chính là mảnh đất màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy, truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong một bộ phận giới trẻ.
Quyết tâm đối phó với khó khăn mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong phát biểu chia buồn với Áo tuyên bố châu Âu sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte khẳng định ngôi nhà chung châu Âu không có chỗ cho bạo lực và thù hận. Các quốc gia tại châu lục đã siết chặt an ninh, tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập trái phép từ bên ngoài.
Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, châu Âu cùng lúc phải đối mặt với cuộc chiến chống khủng bố và dịch bệnh. Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết, sự hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia tại châu lục và cộng đồng quốc tế đang trở thành nguồn sức mạnh để Lục địa già ứng phó với những thách thức về an ninh, y tế, bảo vệ người dân và những giá trị chung về văn minh, thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.